- Tin tức - Hoạt động Hội
- “Bài ca Thống nhất” và tinh thần nhân văn
“Bài ca Thống nhất” và tinh thần nhân văn
Trong không khí thiêng liêng của những ngày tháng Tư lịch sử, chương trình nghệ thuật "Bài ca Thống nhất" đã diễn ra vào tối 25/4 tại Hội trường Trịnh Công Sơn – Đại học Văn Lang, do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Văn Lang tổ chức. Chương trình có sự góp mặt của hơn một ngàn sinh viên, thầy cô và khách mời, tạo nên một không gian nghệ thuật đầy xúc cảm và lòng biết ơn đối với các thế hệ đã góp công sức, xương máu cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Chương trình là sự giao thoa giữa thơ và nhạc, đồng thời cũng là nhịp cầu nối liền ký ức lịch sử với hơi thở đương đại. Hầu hết tác phẩm được đọc và trình diễn đều đến từ những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng gắn bó với phong trào Văn nghệ giải phóng như Giang Nam, Hoài Vũ, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Trần Thị Thắng... Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin giới thiệu sau đây bài phát biểu của nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh, tại sự kiện này.
Nhà văn BÍCH NGÂN
Nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ cột mốc lịch sử 30/4/1975, chúng ta được sinh sống, học tập trên một đất nước hòa bình và phát triển mỗi ngày. 50 năm, chúng ta đã có một bài ca thống nhất, thực sự thống nhất đất đai ba miền lao động và sáng tạo, từng bước thống nhất niềm tin và hy vọng trong trái tim mỗi người.
Kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải, Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp Trường Đại học Văn Lang tổ chức chương trình nghệ thuật “Bài ca thống nhất”, nhằm góp phần tái khẳng định ý chí và sức mạnh Việt Nam trong hành trình xây dựng đất nước trong kỷ nguyên phát triển, hội nhập toàn cầu.
Nhà văn Bích Ngân.
Sở dĩ Hội Nhà văn TP.HCM lựa chọn đồng hành Trường Đại học Văn Lang, vì nhiều hội viên Hội Nhà văn TP.HCM từng cộng tác với Trường Đại học Văn Lang với nhiều vai trò, quản lý, giảng dạy, khách mời, như: nhà thơ Dương Trọng Dật, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà phê bình văn học Lê Quang Trang, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải…cùng những nhà văn trẻ như Đặng Thiên Phong, Khắc Tồn…
Một Phó trưởng khoa Hàn Quốc học của Trường Đại học Văn Lang là tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn TP.HCM. Và lâu nay, Khoa Hàn Quốc học phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động lan tỏa giá trị văn hóa như: Nhiều sự kiện gặp gỡ giao lưu văn học giữa nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam với nhà văn, nhà phê bình văn học Hàn Quốc; tổ chức những Workshop dịch văn học và giáo viên, sinh viên, dịch một số tác phẩm văn học Hàn Quốc sang Tiếng Việt và bước đầu đã chọn một số tác phẩm văn học Việt Nam dịch sang tiếng Hàn.
Quan trọng hơn, ngoài những quan hệ cá nhân, Hội Nhà văn TP.HCM nhận thấy rõ sự quan tâm đầu tư của Trường Đại học Văn Lang dành cho văn hóa nói chung và dành cho văn chương nói riêng. Nhiều hoạt động, nhiều dự án đang tiếp tục được triển khai một cách sâu rộng, minh chứng Đại học Văn Lang đang rốt ráo theo đuổi với triết lý giáo dục của mình là “Trường Đại học của sự tử tế” đồng thời cũng là mục tiêu cao nhất là “đào tạo những con người tử tế và có trách nhiệm tạo ra những tác động tích cực cho xã hội”. Và con người tử tế đó, hẳn không chỉ được Nhà trường truyền đạt kiến thức, kỹ năng chuyên môn để từng bước trưởng thành về tầm vóc trí tuệ mà còn phải được cơi nới về kịch cỡ tâm hồn mà vai trò của các ngành khoa học nhân văn, trong đó tác phẩm văn chương có tác động không nhỏ, làm cho những người tử tế luôn ẩn chứa vẻ đẹp của lòng trắc ẩn, của tâm hồn rộng mở và của trái tim mà nhịp đập không chỉ dành riêng cho mình.
Sự tương tác giữa văn chương và giảng đường, không chỉ khơi gợi ý thức say mê nghiên cứu khoa học nhân văn, dưỡng nuôi lòng nhân ái nơi sinh viên, mà còn bồi đắp thêm cảm hứng tích cực cho sáng tác và cho cả giới sáng tác.
Khi lên kế hoạch phối hợp Trường Đại học Văn Lang tổ chức chương trình nghệ thuật “Bài ca thống nhất”, Hội Nhà văn TP.HCM chủ trương vinh danh thế hệ cầm bút đã gắn bó với Văn Nghệ Giải Phóng. Đó là lực lượng trí thức đã dấn thân ở chiến trường miền Nam một thời bom đạn, để viết nên những tác phẩm đi cùng dân tộc và thời đại.
Trong chương trình này, chúng ta may mắn được hạnh ngộ những nhân chứng sống động của một giai đoạn hào hùng khó quên, như nhà thơ Hoài Vũ, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Trần Thị Thắng…Và chúng ta cũng được thưởng thức những thi phẩm của Huỳnh Văn Nghệ, Giang Nam, Phạm Tiến Duật…
Hôm nay, họ có mặt và hiện diện tại đây, để cùng chúng ta hòa chung nhịp điệu “Bài ca thống nhất”, như thêm một một khẳng định, sau nửa thể kỷ trải qua bao thăng trầm, mỗi con người Việt Nam chúng ta, dù xuất thân khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, dù buồn vui cũng không giống nhau nhưng chúng ta đều chung niềm khát khao cùng nhau nối vòng tay yêu thương, cùng làm việc, sáng tạo và dấn thân vì sự tự tế và vì sự phồn vinh của dân tộc và sự trường tồn của Tổ quốc chúng ta.
Thay mặt Hội Nhà văn TP.HCM, tôi xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện quý báu của các vị khách mời, của thầy cô và các em sinh viên Trường Đại học Văn Lang. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ có được những phút giây đáng nhớ, trong những ngày đáng nhớ của đất nước Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh, 25/4/2025
TBN
MỘT VÀI HÌNH ẢNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH "BÀI CA THỐNG NHẤT"