- Lý luận - Phê bình
- Nụ hôn – biểu tượng của ký ức và lòng nhân hậu
Nụ hôn – biểu tượng của ký ức và lòng nhân hậu
Ấm lòng những nụ hôn như thế – tập thơ mới của Đại tá, Thầy thuốc ưu tú, nhà thơ Phạm Đình Phú – không chỉ là một cuốn sách về tình yêu – tình người, mà là một khúc tưởng niệm giàu nhân văn. Qua lăng kính thẩm bình thơ của hai nữ nhà thơ Minh Hạnh và Nguyễn Thị Phương Nam, người đọc có thể cảm nhận được những “nụ hôn” mang hình dáng đất nước: có hương cau tuổi học trò, có khói bom chiến địa, có nước mắt tìm nhau sau hòa bình... Và trên hết, có một trái tim người thi sĩ luôn thổn thức trước những gì đẹp nhất và đau nhất của con người. Nhân dịp CLB Thơ Phương Nam chuẩn bị ra mắt tập thơ Ấm lòng những nụ hôn như thế, Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu hai bài viết này.
Nhà thơ MINH HẠNH
“Ấm lòng những nụ hôn như thế” –
Khi nụ hôn trở thành ngôn ngữ của nhân văn
Khi nói đến “nụ hôn” trong thi ca, người ta thường nghĩ đến những rung động lứa đôi, những khoảnh khắc nồng cháy của tình yêu. Nhưng trong tập thơ “ẤM LÒNG NHỮNG NỤ HÔN NHƯ THẾ”, nhà thơ Phạm Đình Phú đã làm một điều đặc biệt hơn thế: ông nâng nụ hôn lên thành biểu tượng của tình người.
Từ nụ hôn tiễn biệt của người mẹ, đến nụ hôn lặng thầm của nữ cứu thương trên chiến trường; từ nụ hôn thơ trẻ đầu đời của những cô gái đồng chiêm trũng, đến nụ hôn trong giấc mơ người lính đã khuất... Tất cả hiện lên như những nhịp tim chưa bao giờ ngủ yên, như thanh âm dịu dàng của ký ức trong một thời đạn bom:
"Nụ hôn cô y tá tặng người chiến sĩ trước phút lâm chung
Không cần giấy phép nhưng ấm lòng mãi mãi."
(Trích “Ấm lòng những nụ hôn như thế”)
Tác giả đã chọn “nụ hôn” làm chủ đề xuyên suốt cả một tập thơ. Với trải nghiệm từng đứng nơi ranh giới sinh tử, việc ông chọn nụ hôn hẳn đã là một sự chọn lựa kỹ lưỡng và đầy dụng tâm.
Nhà thơ Phạm Đình Phú không đi theo lối gợi cảm thông thường mà ông chưng cất từng nụ hôn thành giọt nhân văn tinh túy, để mỗi bài thơ không chỉ là lời thì thầm yêu đương, mà là tiếng gọi từ quá khứ, là cái nhìn sâu sắc về chiến tranh, cùng niềm tin âm ỉ của những thế hệ đã đi qua bom đạn nhưng vẫn giữ được nét dịu dàng trong tâm hồn.
Trong bài “Yêu em đi”, ông để một vong hồn nữ liệt sĩ thì thầm:
"Tĩnh lặng Nghĩa trang Đài
Yêu… em… đi!
Thì thầm thanh tịnh ánh ban mai…"
(Trích “Yêu em đi”)
Không ai đọc mà không rưng rưng.
Ngôn ngữ của ông giản dị, gần gũi, nhưng ẩn chứa tầng sâu cảm xúc từng trải, đúng như cốt cách của người lính nói ít làm nhiều. Ông không lạm dụng mỹ từ mà chọn lối thơ hồi tưởng, thơ thủ thỉ như một cuộc trò chuyện từ trái tim đến trái tim.
Và vì thế những câu thơ như:
"Đôi dép râu thương nhớ, nằm mồ côi
Khi đối diện trước em anh hư thế"
(Trích “Anh hư thế”)
Hay:
"Nụ hôn mặn chát mồ hôi
Hương đồng gió bể dành cho anh"
(Trích “Nụ em đồng chiêm trũng”)
Điều làm nên sự khác biệt sâu sắc của “Ấm lòng những nụ hôn như thế” nằm ở chỗ đây là thơ ký ức, được viết bởi một người lính, một bác sĩ đã từng đi qua chiến tranh. Nụ hôn trong thơ ông vừa là lời chào, lời tiễn, lời xin lỗi, lời hẹn và cả lời vĩnh biệt. Có lẽ vì thế mà ông viết về nụ hôn với một trái tim thổn thức, vì một điều gì đó sâu xa hơn cả tình yêu đôi lứa: đó chính là tình người.
“Ấm lòng những nụ hôn như thế” không chỉ là một tập thơ viết về nụ hôn. Đó là một nụ hôn thi ca được đặt trong suy tư, trăn trở của một thời, như một cách tri ân, một lời tiễn biệt và cũng là một niềm hy vọng.
Trong nhịp sống hối hả hôm nay, khi ngôn từ dễ rơi vào sáo mòn, tập thơ này như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng: Có những nụ hôn không chỉ dành cho đôi lứa mà dành cho cả một dân tộc, như một cái ôm chạm sâu vào ký ức.
Đọc thơ ông tôi không chỉ thấy lòng mình được “ấm” mà còn thấy lòng mình được thức tỉnh. Bởi tình yêu lớn nhất đôi khi chỉ cần một nụ hôn ấy làm đau đáu biết bao thế hệ. Nụ hôn ấy ấm mãi khát khao cháy bỏng được sống được yêu. Nụ hôn ấy là niềm tin cho ngày mai tươi sáng. Nụ hôn làm ấm lòng, trăn trở những người đang sống và nhất là những người cầm bút như chúng tôi.
Nhà thơ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG NAM
Đôi điều cảm nhận khi đến với
tập thơ “Ấm lòng những nụ hôn như thế”
“Những nụ hôn” ấm nồng tình cảm
Từ thuở lọt lòng cha mẹ trao anh
Ông bà nâng niu đứa cháu hiền lành
Đi, đi mãi không quên thời thơ dại.
“Những nụ hôn” tuổi trăng tròn hò hẹn
“Mười tám” đôi mươi tim rạo rực dạt dào
Gửi cho em, nào “hương bưởi, hương cau”
“Những nụ hôn” cháy nồng như nắng hạ.
“Những nụ hôn” sau mùa thi cuối khóa
Bên nữ bên nam chan chứa tình thương
Tạm biệt nhau, “nụ hồng xua” nỗi nhớ
Để ngày mai ta xa cách bốn phương.
Tổ quốc lâm nguy sẵn sàng ra trận
“Chiến đấu hết mình dưới cờ sao!”
Có “nụ hôn ngào ngạt em trao”
Đến anh chiến sĩ đi vào thiên thu.
Bao năm kháng chiến không ngừng nghỉ
Có những nụ hôn vội vã chiến hào.
Bao đồng đội hy sinh vì nghĩa lớn
Thương tuổi trẻ hẹn hò mà chưa kịp hôn nhau.
Ơi em nữ cứu thương với “nụ hôn đầu”
Ôi yêu thương người con gái trẻ
Mảnh bom thù xé nát trái tim em
Thôi “em ở lại với rừng xanh” em nhé!
***
Hòa bình rồi sao anh không trở lại
Em đi tìm “hơn bốn lăm năm” qua
“Hòa vào đất nụ hôn đầu tươi rói”
Em đưa anh về, gần mẹ, gần cha.
“Ấm lòng những nụ hôn như thế”
Những nụ hôn ngọt ngào
chứa đựng tính nhân văn.
________
P/s: Những cụm từ trong ngoặc kép là tên một số bài thơ trong tập “Ấm lòng những nụ hôn như thế”.
Xin cảm ơn tác giả, nhà thơ Phạm Đình Phú với tác phẩm mới “Ấm lòng những nụ hôn như thế”.
Ngày 10 tháng 7 năm 2025
N.T.P.N