- Thơ
- Khát cháy của Nguyễn Đức Hạnh: Thơ như lửa và nước mắt
Khát cháy của Nguyễn Đức Hạnh: Thơ như lửa và nước mắt
PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Giám đốc NXB Đại học Thái Nguyên, là người tài hoa. Anh vừa là nhà Lý luận - phê bình sắc sảo, vừa là nhà văn, nhà thơ viết nhanh, viết khỏe và rất có cá tính. Chỉ tính riêng về mảng thơ, “Khát cháy” đã là tập thơ thứ năm của anh. Trước đó là các tập "Núi khát" (2000), "Vết thời gian" (2014), "Khoảng lặng" (2016) và "Thầm" (2020).
"Khát cháy" (NXB Văn học, 2025) gồm 95 bài là thành quả của 5 năm sáng tác. Tập thơ in dưới dạng song ngữ Việt – Anh với phần tiếng Anh do nhà thơ – dịch giả Võ Thị Như Mai thực hiện. Tập thơ như một bản giao hưởng về những khát vọng nhân sinh, nơi cái đẹp được khai sinh từ chính vết nứt của đời sống. Ở đó, người đọc tìm thấy không chỉ nỗi đau thời đại mà còn cả ánh sáng của lòng trắc ẩn.
"Khát cháy" của Nguyễn Đức Hạnh không đơn thuần là một tập thơ - đó là lời thú tội của một tâm hồn dám sống đến tận cùng những mâu thuẫn: giữa nỗi đau và vẻ đẹp, giữa phản kháng và chấp nhận, giữa tro tàn và lửa ấm. Như chính hình ảnh "ống cơm lam nướng vụng" mang đầy tính biểu tượng, thơ ông cháy đen trong thực tại nhưng vẫn dẻo thơm tựa hạt gạo nếp quê hương.
Có thể nhận thấy, Nguyễn Đức Hạnh đã góp vào thi đàn Việt Nam một giọng điệu riêng - giọng của kẻ "ngậm mưa" giữa bão giông, của người nhóm lửa từ chính đống tro tàn ký ức. "Khát cháy" xứng đáng là tập thơ cần được đọc chậm, để mỗi câu chữ thấm qua vết nứt tâm hồn, như cách nước mắt mẹ thấm vào rơm rạ mùa đông năm nào...
Trong dòng chảy thơ ca đương đại đang ngày càng nghiêng về phô diễn kỹ thuật, sự chân thành đến tàn khốc của Nguyễn Đức Hạnh là lời nhắc quý giá: Thi ca chỉ thực sự tồn tại khi nó cất lên từ máu và nước mắt của một đời người.
Và để cảm nhận rõ hơn điều đó, mời bạn đọc hãy cùng đến với chùm thơ dưới đây – những mảnh ghép đa chiều về thân phận con người trong dòng chảy khắc nghiệt của đời sống. Từ nỗi đau thấm đẫm tình mẫu tử (Mẹ ơi con nhóm lửa rồi), đến những suy tư về thân phận nghệ sĩ (Nghĩ về thơ trong ngày mưa nhiều), mỗi bài thơ như một vết cắt sâu vào hiện thực, nhưng vẫn ẩn chứa ánh sáng của niềm tin.
Ngôn ngữ thơ Nguyễn Đức Hạnh vừa gai góc ("Ống cơm lam nướng vụng / Cháy đen rồi còn cố bùi thơm"), vừa dịu dàng ("Khu vườn nhỏ có cây khế nhỏ / Quả chín rơi ngọt cả tay cầm"). Tác giả phơi bày sự thô ráp của số phận ("Lưới số phận đã quăng / Nhảy múa kiêu hãnh gì cũng là kiếp cá"), nhưng đồng thời cũng nhen nhóm yêu thương ("Anh là củi còn em là lửa / Đêm đêm che gió nhóm yêu thương").
Đọc thơ Nguyễn Đức Hạnh, ta bắt gặp một tâm hồn vừa bầm dập vừa kiên cường, một trái tim biết đau nhưng không ngừng khát khao hướng về sự trong trẻo nguyên sơ. Như chính nhan đề tập thơ - "Khát cháy" - đó là tiếng lòng của một thi sĩ dám sống đến tận cùng, dám viết bằng máu và nước mắt.
N.H chọn thơ và giới thiệu.
MẸ ƠI CON NHÓM LỬA RỒI
Thiếu phụ mùa đông vẩy triệu giọt lạnh lùng
Thất tình nên nghiệt ngã?
Sông co ro. Người xuýt xoa. Lửa hồng thương kêu lép bép
Phố đêm nghiêng thõng tiếng đàn bầu
Ao chuôm thở làn khói ấm
Cá lỡ hẹn hò nên lặn rất sâu
Trong ổ rơm nhìn trăng gầy quá
Giống quả ổi cuối cùng trên cây mùa đông
Cột tre kêu làm nứt đêm dài
Lá chuối khô giống bàn tay cha chai, ấm
Nhà dột mang hết xoong nồi ra hứng
Mẹ hứng bằng đôi mắt trũng sâu
Mưa đong đầy rồi tràn ra ngoài mắt mẹ
Ướt sũng con đang ngắm ngọn đèn dầu
Giờ nhà không dột nữa
Đêm đêm mẹ vẫn ngồi cắn chắt ngày xưa ...
Bóng những giọt mùa đông vẫn chảy vào mắt mẹ lúc lành lúc vỡ
Nóng như hạt muối đang thở, muối ướp tiếng thở dài
Mẹ lần tràng hạt
Những mùa đông tròn xoe trên tay mẹ
Mẹ ơi! Con nhóm lửa rồi
Sưởi cho bao mùa đông lăn thành giọt lệ
Lăn đi đâu cũng mặn vào lòng,
Càng mặn càng trong.
Tôi là ống cơm lam nướng vụng
Cháy đen rồi còn cố bùi thơm
Vỏ ống tre quê hương
Xanh lặng lẽ bụi cây ai biết
Tình yêu tụ thành gạo nếp
Mắt mẩy thơm thức ngó đêm dài
Nước là lệ của mẹ, mồ hôi của cha
Lửa số phận đốt đau không khóc
Ống cơm lam vỡ trôi qua vực chiến tranh
Dập trong mùa giáp ranh
Hoàng hôn đánh ban mai oà khóc
Niềm vui méo, nỗi buồn tròn - hai chiếc bát
Đựng nỗi niềm tôi mời mẹ, mời em
Đũa gian lao gắp tôi đến nát
Em là muối ớt
Tôi chấm tôi vào cùng trăm năm
Ngon cũng khóc mà đắng cay cũng khóc
Ống cơm lam xấu đen còn mơ ước
Tặng dẻo thơm chẳng ai thấy trong lòng
Buồn thì ra bến
Thả mình trôi khoả đục tìm trong.
NGHĨ VỀ THƠ TRONG NGÀY MƯA NHIỀU
Hồ trong vì người không xả rác vào?
Hồ vẫn trong khi đầy rác?
Trong hay đục do mình ...
Trong rừng khiếu, sáo, vẹt véo von
Thiên hạ vỗ tay la hét
Hồ mùa thu hát bằng ánh trăng vỡ nát
Chỉ một hòn sỏi nghe rồi khóc
Cái đẹp đau thường nói một mình
Trong bao người hát múa
Ai cùng tôi ngậm mưa?
Phim doanh thu vài trăm tỉ chắc gì hay?
Cuốn sách ế không bán được chắc gì dở?
Bài vè có ngàn người vỗ tay
Lá cỏ của Uýt Man có mười người đọc, hai người xé ...
Tự ngắm rồi thương mình từng múa may theo tiếng kèn hư danh
Tâm biển khơi hóa ao tù thì tài mặt trời thành đom đóm...
Dắt hai câu thơ hay-dở về nhà
Thơ dở hóa cáo. Thơ hay hóa gà...
(Tặng Yến Nga)
Chặt vui buồn dựng hàng rào xanh
Buông bỏ nở hoa lặng lẽ
Khu vườn nhỏ có cây khế nhỏ
Quả chín rơi ngọt cả tay cầm
Căn nhà bé dựng cuối xa xăm
Mưa cứ ghé rồi ôm trong vắt
Lấy gió đan tấm lưới xanh ngát
Bao hương thơm của hoa dại lạc đường
Anh là củi còn em là lửa
Đêm đêm che gió nhóm yêu thương
Có than hồng bùng trong vất vả
Khoai nướng cứ thơm. Kệ được, mất vô thường
Khu vườn lạc vào tác phẩm
Nhân vật biết cười biết khóc thật khó khăn
Hạnh phúc như bài ca đợi tận đáy biển
Hái bó hoa hồng chợt rỏ máu tay cầm
Khu vườn ru căn nhà ngủ
Bao loài cây vẫn thức đợi chờ
Những quả chín như mặt trời xấu hổ
Sưởi môi nhau ngọt đến sững sờ.
Con cá dưới sông nhìn theo sóng
Con cá trên đĩa nhìn theo đũa
Chúng mình - hai con cá
Áp vui buồn đánh dấu môi nhau
Trên sông
Mặt trời đàn ông đa tình
Sáng vuốt ve trưa thiêu đốt
Mặt trăng đàn bà cố nén đam mê
Làm sao mà không khuyết?
Thi sĩ là con cá dị biệt biết hát
Làm sao không cô đơn?
Mắt không chớp suốt trăm năm
Cát đâm vào nên hay khóc
Lưới số phận đã quăng
Nhảy múa kiêu hãnh gì cũng là kiếp cá
Hát đồng ca vui quá ...
Này sông này lưới này dao
Bơi tung tăng mãi rồi vào nơi đâu?