TIN TỨC

Xuân về, đọc thơ Trương Nam Hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-01-28 08:06:42
mail facebook google pos stwis
1349 lượt xem

TUẤN TRẦN

(Cảm nhận tập thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương)

Chủ thể trữ tình trong “Thời nắng xanh” xuất hiện là một người con với tấm lòng thương thảo, mộc mạc, đơn sơ gắn liền với nỗi bồn chồn thầm lặng. Nhàu nhĩ màu thời gian ăn ngấm trong tâm thức những mùa qua…

Nhưng sau tất cả, đấy vẫn là “nỗi buồn mong manh” mang “Ánh mắt mùa xuân/ Dịu dàng” đủ vững vàng để làm điểm tựa tâm hồn cho những người con của thời đại hôm nay. Điều này khác với cái buồn nẫu rục thế sự, đậm dày đạo lý, hay tiếng thở dài bi thảm của những hồn thơ đã từng cất vang. Cảm thức buồn thương ấy như là một cách khái quát về cuộc đời và thân phận con người từ ánh nhìn đong đưa, giao cảm nơi một cá thể giàu lòng trắc ẩn.


Tác giả Tuấn Trần và nhà thơ Trương Nam Hương.

“Từ thuở ấy”, tác giả đã mở ra không khí thơ “Buổi sớm mát lành trong trẻo lạ/ Sau đêm, mầm nõn bỗng xanh òa/ Cây ở ân tình thơm thảo quá/ Thanh lọc lòng ta những cánh hoa”.  Nhưng nội hàm của “thưở ấy” để có được sự “thanh trong” lặng thầm nơi hồn cốt trữ tình là tháng năm qua đi, tình đời, tình người bùi ngùi dư ảnh: “Mẹ ra ngoài cõi vô thường/ Rưng rưng con thắp nỗi buồn vào thơ”. Đã biết bao tha thiết, nồng hậu, đẹp lành lẫn khổ đau, thương tổn và cả nhầm nhỡ. Bao nếm trải ngậm ngùi, xót tiếc về “Bốn mùa thao thức tuổi rêu phong”… Nhưng sau tất cả, là nhẹ nâng thức, cảm tạ tháng ngày thứ tha bao dung đã không làm rụi tàn những “cũ kĩ” thân thương: “Chưa ngõ lời yêu/ Nghe nhành đã biếc/ Em nồng nắng Hạ/ Lại đằm mưa Thu”.

Con người đã từng trong nhau đó mà khi khuất bóng sao xa vời đến thế: “Con biết tìm đâu giữa chơi vơi”… Suy cho cùng, không thể chống lại được phai tàn, nào ai đua được với thời gian nên đành khép nép “…nhận mình nhỏ bé - Thản nhiên xanh”. Chỉ có thể run ngân những nhịp đàn lòng thổn thức để nán lại bên nhau trong đôi tiếng “ầu ơ…ngồi dỗ nỗi buồn bờ xa”. Còn ai đó ngồi lại bên ta, cho ta một quãng an/ yên giữa nhịp đời ngược xuôi cũng là hạnh phúc quá đỗi lớn lao: “Ngắm những bông hoa em cắm/ Dịu dàng năm ngón thơm ngây”. Tiếng thơ như nâng giấc, đỡ đần, dìu dựa. Đâu đó có một chú chim nhỏ nơi bờ cỏ dày nguyên sinh, nem nép dịu dàng, gặp dịp tương ngộ cất lời líu lo… Cây đời tỏa bóng “biếc xanh” ôm ấp những dấu chân xưa! Và neo lại “Bóng làng xa” trong nhịp nhàng tiếng ca.

Đến sau “nỗi buồn khôi nguyên” là một thế giới cho sự bền bỉ niềm tin tưởng vươn với tới cái đẹp và những giá trị tinh thần lưu cửu, xanh tươi: Ta soi vào ta/ Gặp dòng nước mắt/ Mỗi sáng em cười/ Níu ta khỏi lạc”. Chúng hiện diện như “Một gò trăng viên mãn giữa tay anh”. Đồng thời như một “Tiếng chim mượn lá để tu từ” trong thẳm sâu tâm hồn thi sĩ. Điều này tạo nên dáng nét trong xanh vời vợi nơi chân dung linh hồn vốn yên ắng, thuần lành của tác giả: “Mây ngơ ngóng dưới vòm trời cổ tích/ Dưới vòm trời tóc ngoại - một bà tiên”

Với một tấm lòng thật sự đôn hậu, thao thiết yêu đời, cho nên ngay cả trong nỗi buồn, trong ưu tư, dằn vặt nhà thơ luôn biết nâng niu, thưởng thức những “kí ức vùi thơm…”. Đó là bờ môi “hớn hở”, “Sài Gòn bất chợt tinh khôi”, là “Anh mượn màu nắng Huế để thương em”.... Anh đặc biệt tin vào cái vĩnh cửu của lẽ giản đơn trong đời thường “Bếp mẹ mùa đông trấu tro vẫn đượm/ Vênh đáy thớt kê đít nồi khói rớm”. Những niềm vui vun vém kín đáo, thanh cao, dịu ngọt “Lật từng mùa thổn thức/ Trong veo tên em/ Gương mặt ấy/ Sáng lên hi vọng”. Tận hưởng cái đẹp nồng thắm và giản dị đó chính là “niềm hân hưởng thuần khiết” của một trái tim mê đắm như “…bát canh ngọt mát/ Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình”. Chính cảm quan ấy đã biến thực tế đời sống “Thấp hèn – cao thượng giao tranh”, trở nên “lấp lánh sự sống”. Không hề tách rời muôn nỗi “Nghe mùa trở gió hoang mang” nhưng đồng thời trong đẹp hơn, dịu dàng hơn, nên thơ hơn, và ngàn lần cao cả hơn. Tất cả được “gạn đục lóng trong” qua một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và khiêm nhường: “Phải em cùng cơn mưa ấy/ Lạc mùa vừa ướt qua tôi”.

Với Trương Nam Hương làm thơ là để lắng nghe sự sống của từ, gọi về những giấc mơ tinh thần đẹp đẽ. Lý tưởng được đắp bồi từ những “Bóng quê”; “ban mai”; “Chuyện công viên” “câu hát cũ”… Ngay những giây phút trống trải nhất trong lòng, với anh, tiếng việt và con người nơi đây mang chung một “yếu nghĩa” thực sự thiêng liêng: “Tiếng vững bền như núi/ Dọc thời gian đắp bồi/ Tiếng việt ơi tiếng việt/ Lớn lên từ cánh nôi”; “Đảo thiêng - đất thấm linh hồn/ Lá cây ngọn cỏ mãi còn biếc xanh/ Thơ xin thắp nén tâm lành/ Khấn mong hương khói ru lành nỗi đau”;

Cũng với chính tác giả ý thức quan niệm của con người còn là một triết lý sống thực hơn hết.  Đó là lối sống không xa đời, không trách cứ, hờn hận, gần với người, hòa vào thiên nhiên, vui với kỉ niệm, yên với niềm tin và hi vọng, bằng lòng với những “nhỏ nhoi”,... những “lối nhỏ ngập ngừng yêu thương”, để tích hợp diệu nghĩa, để biểu đạt lương duyên: “Tứ như vốc hạt tình gieo xuống/ Mảnh đất hồn ta chữ lặng chờ/ Ngày như giấy trắng, đêm như mực/ Ngọn bút khơi mầm những luống thơ.”

Tập thơ này là một thế giới “Mùa xưa”, trong đó, “Giấc mơ trưa” là sợi tơ, nối kết với các ảnh tượng kí ức khác thành một khối thống nhất gọi tên “Thời nắng xanh”. Lắng nghe chăm chú tiếng nói bên trong, dựa vào sự tinh tế nơi mỹ cảm, nhà thơ bình tĩnh chuyển tải tất cả những trạng thái đời sống đã qua thành những hoài mộng trữ tình, những sắc tính tâm linh đầy mơ mộng mà sâu sắc: “Anh bắt gặp vòm thông em trẻ lại/ Suối sông thấm đẫm mưa hè”. Và hệ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trở thành thủ pháp nghệ thuật xuyên suốt làm nên tiếng nói nội cảm thầm thỉ, rầm rì, bất tận…Làm nên cái rộng sâu miên viễn, nâng tầm giá trị của tiếng ta. Đó là một sự đối thoại không ngừng của người đàn ông với số phận của mình, niềm tin của mình, nỗi hoài vọng của đời mình. Những “Giấc mơ trưa” về một thời ấy đã đánh thức con người biết thực hành yêu thương, trân trọng từng khoảnh khắc cuộc sống như “Nắng mưa thấm tiếng oa oa đầu đời”.

Bước tới hiện đại từ “Thời nắng xanh”, ta đã nhận diện ra gương mặt thơ của Trương Nam Hương trong bức tranh đời sống hôm nay – tính can dự để làm điểm tựa tinh thần cho một thế hệ thêm tươi trẻ. Rồi ai cũng sẽ thấy mình đôi lúc “Hình như gió/ Ngược tìm năm tháng ấy/ Hát rông dài hoa bất tử ơi”. Ai mạnh mẽ, ai ưu uất tới nhường nào cũng cần được trốn vùi ít nhất một lần “Trong im lặng biếc xanh của cỏ”

Phải chăng, ở sâu thẳm của bất an lẫn tĩnh tại, thanh âm là thứ ta bắt nhạy nhất “Lăng mà im - Động mà im”; “Nghe hư vô cả trăm năm kiếp người”. “Thời nắng xanh” rỏ rỉ ước mơ thật thấm thía, bao dung… Giữa tinh thần sáng tạo nhẹ nhàng, thấm lắng và những thi cảm mang cảm thức nặng sâu ân nghĩa cùng thi liệu là chính những thăng giáng của sự đời chung – riêng nơi người thơ, mà cụ thể là những điều từng tồn tại đẹp đẽ của thời xa vắng. Ấy chính là nét độc đáo tạo nên phong cách thơ của tác giả. Tất nhiên, hướng về quá khứ đã ngủ yên không có nghĩa chỉ truyền thừa những giá trị đã đóng khung trong địa hạt văn học, nghệ thuật. Thực chất, đó cũng là một quá trình sáng tạo liên tục, nằm trong dòng vận động kiếm tìm cái mới của người nghệ sĩ nhằm nhìn thấy hoặc khơi mạch nguồn giá trị thẩm mỹ cho luôn luôn tiếp diễn. Vừa mang hơi thở nguồn cội vừa mang tính thời đại. Và gia đình, hương thôn, miền cổ tích, áo trắng một thời, lối cỏ xanh… nơi thời/ không nghệ thuật giống như chốn cư ngụ nương náu bình yên – thánh địa cuối cùng của nhân cách được chuyển thể thành thơ trong “Thời nắng xanh”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Những nụ hôn như thế” – từ ngọn lửa yêu thương đến ngọn nguồn hy sinh
Cảm nhận về bài thơ cùng tên trong tập thơ của Phạm Đình Phú – Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM
Xem thêm
Bước đầu tìm hiểu 50 năm thơ Bình Định (1975-2025)
Bình Định – vùng “Đất võ trời văn” – không chỉ nổi tiếng với truyền thống thượng võ, mà còn là mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều thế hệ thi sĩ tài hoa.
Xem thêm
Sự hồi quang ký ức trong “Bài thơ cánh võng”
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang
Xem thêm
Văn học Bình Dương – 50 năm một hành trình lặng lẽ và bền bỉ
Bài viết công phu của tác giả Nguyễn Quế không chỉ khắc họa hành trình văn học của vùng đất Thủ suốt 50 năm qua...
Xem thêm
5 sắc thái của một giọng thơ lạ trong “Ru say muợn tỉnh – Ru tình mượn nhau”
Bài viết của Lương Cẩm Quyên sẽ đưa bạn đọc khám phá một hồn thơ đầy bản lĩnh, dám giễu đời...
Xem thêm
Thời đương đại nghe lời thơ lục bát ru tình
Bài viết của Tiến sĩ Hà Thanh Vân
Xem thêm
“Nghiêng về phía nỗi đau” - Từ góc nhìn lý thuyết chấn thương
Nguồn: Tạp chí Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Mặc khải của nước, lửa &…
Bài của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế
Xem thêm
Võ Chí Nhất kể chuyện trinh thám
Một ngày đẹp trời, Võ Chí Nhất gửi tặng tôi cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc. Những gì tôi biết về anh, đó là một Đại úy đang công tác trong ngành Công an tuổi đời khoảng ba mươi.
Xem thêm
Bảo Lộc - người thơ ở lại
Nguồn: Văn nghệ Công an
Xem thêm
Nhà thơ Trần Đôn và “hành trình” Rong chơi 2
Ở tuổi U80, nhà thơ Trần Đôn vẫn dồi dào sức sáng tạo, vừa hoàn thành tập thơ Rong chơi 2 – một “hành trình” thi ca “đi dọc đất nước, dọc cuộc đời” đầy chiêm nghiệm.
Xem thêm
Nguyễn Văn Mạnh - Thơ là những trang đời
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa đã khắc họa chân dung một hồn thơ đa diện, nơi mỗi vần thơ đều thấm đẫm trải nghiệm, nỗi đau, niềm kiêu hãnh và tình yêu tha thiết với con người, đất nước.
Xem thêm
Khoảng trời xanh ký ức – Tiếng lòng tha thiết của một đời trải nghiệm
Hai bài cảm nhận của nhà thơ Tố Hoài và nhà thơ Phạm Đình Phú
Xem thêm
Thêm một Nguyễn Trường viết phê bình văn học
Bài đăng Thờ báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Khoảng trời xanh ký ức - Bản tình ca viết về tình yêu “một thời hoa lửa”
Cảm nhận về tập thơ Khoảng trời xanh ký ức của nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam
Xem thêm
Sắc thái riêng từ “Khoảng trời xanh ký ức”
Sáng 30/5/2025, Câu lạc bộ Thơ Phương Nam đã tổ chức buổi ra mắt tập thơ thứ bảy mang tên Khoảng trời xanh ký ức của nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam – một dấu ấn thơ ca thấm đẫm trải nghiệm sống, chan chứa hoài niệm và thấm đượm tình người.
Xem thêm
Trần Lê Khánh: Một giây nữa là đến mai
Xuất hiện trên văn đàn mới khoảng một thập kỷ gần đây, nhà thơ Trần Lê Khánh đã nhanh chóng tạo được dấu ấn riêng. Thơ anh đậm chất thiền, dung hòa triết lý phương Đông với tư duy hiện đại. Tác phẩm của anh hướng đến sự hài hòa giữa con người và vũ trụ, đồng thời khám phá chiều sâu triết lý trong những điều tưởng chừng nhỏ bé, giản dị, mở ra những tầng nghĩa phong phú. Sau tám thi tập liên tục ra mắt từ năm 2016, Trần Lê Khánh tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong năm 2024 với thi tập Đồng (Nxb. Văn học). Phải nói rằng thi pháp lục bát của anh đã chín muồi trong thi tập này, với cấu trúc bốn cặp câu mỗi bài, không gây cảm giác gò bó hay khiên cưỡng mà tuôn chảy tự nhiên, tự do và giàu sức gợi, mở ra không gian suy tưởng phong phú.
Xem thêm
Hư Thực: Lối viết dấn thân ấn tượng, về nhân sinh và nghệ thuật trong một thế giới đa loài
Trong hành trình diễn tiến của nhân loại, viết không chỉ là một hình thức giao tiếp mà còn là cách để con người lưu giữ, truyền tải tri thức và thể hiện bản thân. Do đó, viết gắn liền với đời sống con người, trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình tồn tại, phát triển. Diêm Liên Khoa từng tâm niệm: “Sống là không thể không viết và tất yếu phải viết”[1]. Với nhà văn, việc cầm bút để họa lên bức tranh nhân sinh - xã hội, qua đó bày tỏ suy nghĩ, quan niệm của mình như một nhu cầu tất yếu, một sứ mệnh thiêng liêng. Là tiểu thuyết đầu tay của Phùng Văn Khai, Hư thực - đúng như tiêu đề tác phẩm - mở ra một thế giới của những điều mờ ảo, huyễn hoặc. Hình như, hiểu được lẽ “nhân sinh như mộng, văn tại kì nhân”, nên trên con đường dẫn vào nghiệp viết, Phùng Văn Khai đã dành những dòng chữ đầu tiên để chuyển tải cuộc đời tựa giấc mộng, văn chương chính là phần tinh hoa nằm trong đó.
Xem thêm