- Thế giới sách
- “Miền cỏ tranh” - Bản hùng ca thầm lặng, chân thực và thấm đậm chất nhân văn
“Miền cỏ tranh” - Bản hùng ca thầm lặng, chân thực và thấm đậm chất nhân văn
Nhà thơ NGUYỄN THỊ THANH LONG
Giữa không gian văn học chiến tranh ngày càng thưa vắng những tiếng nói mới, tiểu thuyết Miền cỏ tranh của Nhà văn - Đại tá Nguyễn Minh Ngọc đã xuất hiện như một cơn gió lặng, thấm sâu vào tâm trí người đọc. Đây không phải là một cuốn sách mang kịch tính với sự đối đầu giữa các tuyến nhân vật như cấu trúc tiểu thuyết truyền thống, mà là một dòng chảy ngồn ngộn của chất liệu trận mạc, nơi hiện thực chiến trường sống động, khốc liệt, và con người hiện lên trong sự thử thách tận cùng.
Nhân vật trung tâm - Mười Lượng là một người lính trinh sát chân thực, gan dạ, mưu trí, và có khi liều lĩnh đã từng “giáp lá cà” trong những trận đánh dữ dội tại cực Nam Trung bộ, xuôi Đông Nam bộ, rồi Bình Long, Phước Long nơi từng là “tọa độ lửa” trong kháng chiến chống Mỹ những năm 1962 đến mùa Xuân 1975. Qua từng trang sách, những suy nghĩ, hành động, quyết định và cả im lặng của anh mở ra một thế giới sống động của người lính - không tô vẽ, không ước lệ, nhưng thấm đẫm tinh thần người lính Cụ Hồ: dám sống, dám yêu, dám hy sinh.
Tác phẩm không xây dựng các tuyến nhân vật theo lối phân cực, không có phe thiện, phe ác, không có kẻ thù đóng vai nhân vật đối đầu. Thay vào đó, mọi nhân vật xuất hiện như từng mảnh ghép trong một chiến trường lớn, và sự xung đột không nằm ở con người đối lập nhau, mà nằm trong chính hoàn cảnh sống còn, trong sự giằng xé của bản năng sinh tồn và đạo đức của người lính cách mạng.
Điểm đặc biệt khiến Miền cỏ tranh chạm đến trái tim người đọc chính là tình đồng chí, đồng đội hiện lên mộc mạc mà xúc động, đặc biệt là tình nghĩa giữa chỉ huy và lính, giữa những người cùng nếm trải cái chết rình rập từng ngày, từng giờ. Mười Lượng không chỉ chiến đấu bằng súng đạn mà còn bằng cả trái tim. Anh yêu chân thành, mạnh mẽ và không tính toán như cách anh sống. Những người phụ nữ đi qua đời anh không phải để làm nền cho một tuyến truyện tình cảm, mà để khắc họa thêm chiều sâu tâm hồn của một người lính đang sống giữa cái chết. Một tác phẩm sâu đậm tình người.
Đặc biệt, mối tình của Mười Lượng với Thanh Trà - nữ quân y gan dạ giỏi giang và xinh đẹp là minh chứng cho cái nhìn nhân văn của tác phẩm. Đôi trai tài gái sắc dám “xé rào” sống hết mình, chiến đấu dũng cảm và phải “ngụy trang” để yêu hết mình, cuối cùng có được một cái kết xứng đáng. Dưới bom rơi đạn lạc, họ tổ chức đám cưới giữa rừng già, cưới giữa vòng vây kẻ thù, phải đến ba lần cặp đôi mới nên duyên vợ chồng. Hai “bộ đội tý hon” chào đời trong điều kiện chiến trường vô cùng ác liệt. Chỉ có tình yêu kỳ diệu đã giúp họ vượt lên tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là sự hồi sinh, như mầm cỏ mọc lên nơi trảng cỏ sau mưa bom bão đạn - Loài cỏ tranh có thể sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào và luôn bất diệt.
Với Miền cỏ tranh, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc không kể lại chiến tranh, ông tái hiện nó bằng con chữ. Văn chương của ông không phô trương mà chân thực, không lãng mạn hóa nhưng lay động, không dùng triết lý để thay thế cảm xúc mà để cảm xúc tự cất lời từ từng nhân vật qua từng lát cắt của cuộc chiến.
Miền cỏ tranh không phải là một tiểu thuyết đọc để tìm tình tiết gay cấn, mà là để lắng lại, suy ngẫm và sống cùng những phận người đã đi qua chiến tranh. Tác phẩm như một bó cỏ tranh, không lộng lẫy, nhưng dẻo dai, sâu rễ, bền gốc mang theo cả ký ức, tình người, và cả một thời không thể nào quên.
Xin trân trọng cảm ơn Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã cho ra mắt tiểu thuyết Miền cỏ tranh đến bạn đọc như một cách tri ân những người đã sống và yêu dưới làn đạn, như một cách lặng thầm nhắc nhớ : hòa bình không tự đến, mà nó được đánh đổi bằng máu, nước mắt và tình yêu.
Kính chúc ông nhiều sức khỏe và bút lực sung mãn.
TP. Hồ Chí Minh 2/7/2025
NTTL