- Góc nhìn văn học
- Ngẫm về đổi mới
Ngẫm về đổi mới
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã trải qua biết bao thăng trầm; trong đó, những cuộc cải cách, đổi mới, dù gập ghềnh nhưng đều thành công, tạo nên những bước ngoặt và dấu ấn không thể phai mờ. Bên cạnh thành công như một sự tất yếu, các cuộc đổi mới ấy không tránh khỏi những hệ lụy không mong muốn.
Đó là khi Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn; là vị vua cuối cùng triều Lý - Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh; là khi ba anh em người nông dân áo vải, mà tiêu biểu là Nguyễn Huệ, dựng cờ khởi nghĩa đánh tan giặc ngoại xâm ở hai đầu đất nước, dẹp thù trong giặc ngoài, thống nhất giang sơn về một mối, lập nên thời đại Quang Trung hiển hách. Đặc biệt, thế kỷ XX, người thanh niên xứ Nghệ Nguyễn Tất Thành xuất dương mấy chục năm bôn ba tìm đường cứu nước và trở về vườn hoa Ba Đình đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Nghiên cứu lịch sử bằng lăng kính khoa học, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, chúng ta không bất ngờ khi bên cạnh thành công là những hệ lụy. Và như thế, không ngạc nhiên khi xuất hiện một số lượng không nhỏ người đương thời ngao ngán, thiếu niềm tin; thậm chí quay lưng, cản trở tiến trình đi lên của cuộc cách mạng đó.
Cách mạng là thay đổi
Minh họa: AI.
Cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” do Đảng ta khởi xướng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm trước thềm Đại hội XIV, là một cuộc cách mạng như thế.
Trước hết, cuộc cách mạng ấy thay đổi một cách cơ bản và toàn diện từ nhận thức đến hành động của toàn xã hội. Đất nước ta vốn nghèo nàn, lạc hậu và lệ thuộc. Việc đầu tiên Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nắm chính quyền, là phải giành được độc lập dân tộc. Cùng với việc giành độc lập, Đảng ta cũng phải lo cho dân “đủ cơm ăn áo mặc, được học hành”. Đó không chỉ là khát vọng ngàn đời của ông cha ta mà còn là nhu cầu thiết yếu của người đương thời.
Từ hai bàn tay trắng, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã làm được những điều kỳ diệu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành tựu ấy, nhưng trước hết là tình yêu nước, yêu dân tộc. Vì lợi ích chung của toàn dân tộc, bậc tiền bối đã hy sinh quyền lợi cá nhân.
Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy, đặc biệt là bộ phận trung gian, chuyển tiếp của Đảng ta hiện nay là cuộc cách mạng chưa từng có. Đường lối đúng đắn, chủ trương trúng mục tiêu, nhưng nếu không có bước đi hợp lý thì thật khó thành công. Việc “sắp xếp lại giang sơn” còn ngổn ngang những bài toán cần lời giải, đòi hỏi những bước đi đúng đắn.
Lời giải đúng và trúng
Theo chúng tôi, lời giải đúng đắn và hiệu quả ấy cần tập trung vào những vấn đề cơ bản, thiết yếu sau đây:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về cuộc cách mạng “long trời lở đất” này từ trong nội bộ hệ thống chính trị đến toàn xã hội. Phải làm sao cho mọi người thấy đó là quy luật tất yếu của sự phát triển. Việc “sắp xếp lại giang sơn” đã chín muồi. Vì mục tiêu quốc gia, lợi ích dân tộc, khó mấy cũng vượt qua. Đó không chỉ là ý chí chủ quan của một tổ chức hay một nhóm người mà là của toàn dân tộc.
Thứ hai, cần có bước đi phù hợp, hài hòa lợi ích của dân tộc với nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của công dân và từng địa phương. Phải công tâm, trong sáng khi sắp xếp lại địa giới hành chính và tổ chức bộ máy. Kiên định mục tiêu đi đôi với phát huy dân chủ, tiếp thu và phát huy thế mạnh, nguồn lực của toàn xã hội.
Thứ ba, phải tạo sự đoàn kết như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Muốn đoàn kết phải phát huy dân chủ đi đôi với nghiêm minh về kỷ cương.
Thứ tư, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kịp thời lan tỏa cách làm hiệu quả, hợp lòng dân ý Đảng để xây dựng “thế trận lòng dân” trong cuộc cách mạng mới, chào đón kỷ nguyên vươn mình xây dựng đất nước ta theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; xứng đáng với truyền thống yêu nước và cách mạng của cha ông; xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ và đồng bào ta.
Tháng 7-2025
T.T.T