- Lý luận - Phê bình
- Người thơ mang áo blouse
Người thơ mang áo blouse
"Người thơ mang áo blouse" của Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc là một chân dung lay động về Đại tá, Thầy thuốc Ưu tú Phạm Đình Phú – một chiến sĩ kiên cường nơi chiến trường, một lương y tận tâm cứu người, và cũng là một văn sĩ tài hoa với tâm hồn bay bổng. Cuộc đời ông là bản trường ca của sự bền bỉ, chính trực và không ngừng vươn lên trước mọi bão giông của số phận lẫn những nghịch lý thời cuộc. Mời quý độc giả cùng Văn chương TPHCM khám phá hành trình phi thường của người bác sĩ cầm bút, để thấy sức mạnh của ý chí và vẻ đẹp của văn chương trong việc làm giàu thêm hồn dân tộc.
Đó là Thầy thuốc Ưu tú, đại tá bác sĩ chuyên khoa I (CKI) Phạm Đình Phú, quê ở xã Sơn Hà (nay là xã Tân Mỹ Hà), huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cất tiếng khóc chào đời vào năm Ất Dậu 1945, cuộc đời anh cơ cực ngay từ tấm bé. Tên gọi hồi nhỏ là Rớt, vì mẹ anh đi làm rồi đẻ rơi ngoài đồng. Thân phụ là ông Phạm Khoái, từng chỉ huy Đội tự vệ cảm tử xã từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Là đảng viên, ông Khoái phụ trách Trung đội dân công hỏa tuyến, tham gia chiến dịch Bình Trị Thiên (1949-1950) và hy sinh tại Chiến khu Hòa Mỹ thuộc xã Phong Nguyên (nay là Phong Mỹ), huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi chưa đầy tuổi 30.
Ông nội mất sớm, mồ côi cha, người con độc nhất của liệt sĩ lớn lên trong vòng tay gầy guộc của bà nội. Năm 1956, sau khi mẹ “đi bước nữa”, cậu bé Rớt được đổi tên thành Phú và được người cô ruột đưa ra Nghệ An nuôi. Là đoàn viên thanh niên, nhờ hăng hái tham gia các phong trào của địa phương, 17 tuổi, anh được Đảng ủy xã chọn lên huyện học lớp “Đối tượng Đảng”. Vào đại học, chàng sinh viên tiếp tục được chi bộ nhà trường cử đi học lớp bồi dưỡng lý luận. Dẫu có trong tay chứng chỉ hai lần “Đối tượng Đảng” vậy nhưng con đường phấn đấu của anh lại khá trầy trật, trắc trở.
Những năm tháng học tập, rèn luyện tại lớp Y1C ở rừng núi Thái Nguyên, đã trui rèn cho người thầy thuốc tương lai phẩm chất kiên cường, nhẫn nại. Tốt nghiệp ra trường, tháng 10-1971, bác sĩ Phạm Đình Phú nhận lệnh nhập ngũ. Là con liệt sĩ, nhưng anh vẫn không hề nại cớ để xin ưu tiên, mà tự nguyện lên đường như nhiều tráng đinh khác khi đất nước có giặc. Đầu năm 1972, anh về Khoa chấn thương B1, Bệnh viện Quân y dã chiến 112, phục vụ chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Phú còn được giao biên soạn “Cẩm nang cấp cứu, điều trị chấn thương tuyến trước”; anh làm phó bí thư chi đoàn thanh niên, tổ trưởng tổ y sinh, phụ trách khối thương binh nặng. Người bác sĩ trẻ còn được phân công giúp đỡ, cảm hóa hai y tá cá biệt.
Đặc biệt, trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn ở nơi giới tuyến, được sự ủng hộ của Ban giám đốc, bác sĩ Phú cùng đồng nghiệp đã táo bạo mổ “vượt cấp” cho một ca rất khó. Bệnh nhân là một cháu gái còn sót lại của người nông dân nghèo ở Vĩnh Linh, cháu bị bỏng từ lúc 3 tháng tuổi, sau trận pháo kích của Mỹ, giết chết mẹ cùng bốn anh chị em của bé. Cháu bị tật hai bàn tay, không cầm được bút, nên chẳng thể đi học. Nghĩ đến ân tình sâu nặng với đồng bào, đồng chí, kíp mổ quyết định giải phóng sẹo bàn tay bằng kỹ thuật cắt sẹo, nới gân, ghép da Wolfkraw… Kết quả, họ đã tạo “bàn tay mới” cho cháu bé, đem lại niềm vui cho người dân tuyến lửa. Vài tháng, một buổi chiều sau cơn mưa, bác nông dân lam lũ dắt con đến giơ tay lên khoe với các bác sĩ quân đội, nụ cười nhòa trong nước mắt. Với bác sĩ Phú, đây là không chỉ là phần thưởng chuyên môn mà còn là tâm đức của người thầy thuốc.
Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, trở ra Bắc tu nghiệp, anh về trường nhận bằng tốt nghiệp, đến tháng 5-1973, thì được đứng chân trong hàng ngũ của Đảng. Tiếp đến, đơn vị chọn cử Phạm Đình Phú đi tu nghiệp ở nước ngoài. Trớ trêu thay, khi về tập trung học ngoại ngữ để chuẩn bị lên đường, thì các học viên được cử đi lao động đắp đê. Lý do “đắp đê cũng quan trọng như đánh giặc. Lũ lụt cũng nguy hiểm như giặc ngoại xâm…”. Sau 2 tháng cật lực lao động, họ trở về đơn vị cũ nhận nhiệm vụ mới.
Cuối năm ấy, bác sĩ Phú nhận quân hàm thiếu úy. Năm sau, anh được cử đi học “Tạo hình chấn thương” tại Bệnh viện 109, trung tâm chấn thương chỉnh hình tuyến cuối của quân đội ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Học gần xong chương trình thì tin tức từ các chiến trường miền Nam liên tiếp dội về. Với tinh thần tất cả cho cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh Phú được triệu về gấp để chuẩn bị lên đường ra mặt trận. Bấy giờ, Bệnh viện dã chiến 112 được thu gọn, đi phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bác sĩ Phạm Đình Phú đảm nhiệm Phó khoa Ngoại chấn thương B1. Kết thúc chiến dịch, khoa B1 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Bệnh viện 112 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Năm 1976, tại Bệnh viện Quân y 105, bác sĩ Phú lại được thông báo làm thủ tục đi học nước ngoài. Hoàn cảnh “trên răng, dưới dép”, anh lao vào học, nhưng đến phút 89 thì bị dội gáo nước lạnh “đề tài tạo hình khớp gối, bạn chưa nhận”, thế là đành tiu nghỉu trả valy và vé máy bay, quay về. Mùa thu năm 1977, anh được Ban giám đốc Bệnh viện cho biết “chỉ cử một mình đồng chí” đi học nước ngoài. Lần này thì anh chần chừ, không còn hào hứng. Nhưng là người lính thì nhiệm vụ không thể chối từ.
Sau hơn nửa năm tập trung học tiếng Nga, bác sĩ Phú thi đạt điểm 7. Nhưng sự đời không hề đơn giản, hóa ra điểm “chạy” lại quan trọng hơn rất nhiều điểm thi! Lớp ấy, nhiều vị chỉ được điểm 5, thậm chí có kẻ bị điểm liệt, nhưng không hề hấn gì, thảy họ đều ung dung xuất ngoại ngon lành, còn anh Phú tiếp tục bị loại. Quá tam ba bận, rõ thật là không còn gì để luận bàn.
Non sông liền một dải chưa được bao lâu, nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề còn chưa kịp hồi phục thì đất nước đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh ở cả hai đầu biên giới. Khi chiến sự nổ ra ở phía Bắc (17-2-1979), vài ngày sau, ở ngoại ô thị xã Sơn Tây, tầm hơn 9 giờ sáng, bác sĩ Phú đang mổ cắt mỏm cụt đùi cho một bệnh nhân bị thương trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Ca mổ sắp hoàn thành thì anh được gọi ra gặp chính ủy Bệnh viện 105, nhận lệnh lên biên giới ngay tắp lự. Mặc dù chẳng được báo trước, cũng không hề đả thông tư tưởng, nhưng không chút chần chừ, bác sĩ Phú tháo găng tay còn dính máu, bàn giao lại ca mổ cho người khác. Anh chạy vội về nhà thu xếp ba lô lên đường, để lại sau lưng người vợ trẻ (thương binh) cùng hai đứa con thơ dại. May sao, vợ anh cũng là một quân y sĩ, làm việc tại khoa A1 của bệnh viện này, nên chị không chỉ chấp nhận mà còn chia sẻ, động viên chồng vững bước. Ra tuyến trước, bác sĩ Phú được giao chức Trưởng khoa Ngoại, đảng ủy viên bệnh viện, kiêm bí thư chi bộ liên khoa. Vượt bao gian khó dưới tầm pháo địch, sau 3 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, con đường trở lại đơn vị cũ công tác cũng hết sức bầm trầy. Từ mặt trận trở về trong tình trạng sức khỏe suy sụp, bác sĩ Phú bị viêm phế quản nặng, biến chứng giãn phế nang, ho ra máu, lờn thuốc. Vậy mà anh được “ưu ái” bố trí sang bộ phận mổ tử thi, từ bỏ chuyên khoa chấn thương, lý do “khoa này không còn chỗ”! Khi người ta muốn chứng tỏ uy quyền độc đoán của mình, thì sự ép buộc và đe dọa luôn đi liền với nhau. Sau gần 4 tháng bền bỉ đấu tranh, anh mới được trở về với khoa “ruột” của mình.
Đầu năm 1983, ông được chọn về Học viện Quân y dự lớp đào tạo chuyên ngành bỏng toàn quân đầu tiên. Được thọ giáo bởi những bậc thầy như Giáo sư TSKH. Lê Thế Trung[1], ngoài kiến thức bỏng, các học viên còn được mở rộng thêm các chuyên ngành liên quan của thế giới.
Sau chuyến đi “tiền trạm”, tháng 4-1985, bác sĩ Phạm Đình Phú nhận lệnh điều động về Bệnh viện 175[2]. Thực hiện công cuộc “Nam tiến”, ông phải giải một bài toán khó, lần lượt chuyển vợ con vào, thực hiện việc hợp lý hóa gia đình. Một thời gian sau, vợ ông, đại úy Diệu Mỳ cũng được chuyển về Trung tâm Huyết học phía Nam thuộc Cục Quân y.
Tuy nhiên, “cuộc chiến” trong thời bình xem ra lắm khi còn khốc liệt không kém gì thời bom đạn. Thời kỳ tiền đổi mới, có biết bao chuyện dở khóc, dở cười, bởi thói chuyên quyền độc đoán, lộng hành.
Bản tính lành hiền, đam mê học hỏi và nghiên cứu khoa học, đặc biệt với tâm đức của mình, ở đâu bác sĩ Phú cũng luôn trải lòng chân thật. Nhưng có lẽ vậy mà cuộc đời ông đã gặp không ít tai ương và cả sự quy chụp thô thiển. Năm 1993, Học viện Quân y chiêu sinh lớp Cao học Bỏng đầu tiên, bác sĩ Phú có tên. Tuy nhiên, hoàn cảnh nghèo ngặt, nhà dột, một vợ ba con nheo nhóc, nếu đi học thì thảy cùng khốn khổ. Nào ai hình dung được cảnh sống ở giữa Sài Gòn mà nữ đại úy quân y phải gom quét lá khô về làm chất đốt cơ chứ. Những ngày bác sĩ Phú tập trung dự khóa ở Hà Nội, mấy mẹ con ở nhà, có bữa thức ăn chỉ độc quả trứng luộc chia làm bốn phần, dầm mắm. Ông làm đơn đề nghị vay đơn vị 120.000 đồng để đi học và cam kết hoàn trả đúng hẹn, lương tháng dành cho vợ con, nhưng bị từ chối thẳng thừng. Chẳng còn cách nào khác, bác sĩ Phú đành trình bày xin Học viện cho lùi lại đợt sau. Trở về, vừa công tác, ông vừa tiếp tục hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học còn dở dang: “Bỏng hóa chất” và “Bỏng pháo trong 10 năm điều trị tại Viện 175”.
Từ chuyện ba lần xuất ngoại bất thành, đến con đường học hành nâng cao trình độ chuyên môn của bác sĩ Phú ở trong nước đều trắc trở. Qua một người bạn bác sĩ là cháu gọi Xuân Diệu bằng cậu, Phạm Đình Phú có dịp được diện kiến nhà thơ lớn vài lần. Cảm thương hoàn cảnh của người đồng hương mới quen, nhà thơ Xuân Diệu xúc động viết bài thơ “Nỗi niềm em” khá dài, trong đó có câu: “Con liệt sĩ độc nhất ba lần ra trận. Đường xuất ngoại gập ghềnh đá nhọn”. Đầu năm 1995, Bộ Quốc phòng chiêu sinh khóa “Chuyên khoa II” tại Học viện Quân y. Mặc dù hội đủ các tiêu chí: Ra trường hơn 10 năm, có bằng CKI trên 5 năm, với 4 đề tài khoa học đã được phê duyệt, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng cuối cùng ông vẫn trượt… vỏ chuối.
Buồn hơn, vị bác sĩ bất ngờ trở thành nạn nhân, bị vô hiệu hóa chức danh, tước quyền đi học, mất việc làm. Suốt 24 năm làm chuyên khoa, 20 năm trực tiếp cầm dao kéo, ông cùng đồng nghiệp thực hiện hàng ngàn ca mổ thành công; đã có không ít ca bệnh hiểm nghèo, bỏng nặng (cấp độ 2 và 3) thương tổn từ 65-75% được cứu chữa thoát chết. Ngần ấy năm công tác, chưa hề sai phạm về y đức, y thuật, chi bộ luôn đạt “Trong sạch vững mạnh” vậy mà trung tá bác sĩ - bí thư chi bộ khoa 49 tuổi đột ngột “được”… nghỉ hưu.
Điều đáng nói là trong lúc bác sĩ Phạm Đình Phú đang thực hiện ca mổ cắt sẹo, ghép da Wolfkraw cho bệnh nhân di chứng bỏng, dự kiến trong 3 tiếng đồng hồ, cuộc mổ còn chưa kết thúc, thì ông được gọi ra gặp lãnh đạo bệnh viện. Tưởng đâu lại chuyện “nước sôi lửa bỏng” như thời nhận lệnh ra mặt trận. Hóa ra không phải vậy, người ta đột ngột ấn quyết định hưu vào tay vị bác sĩ, xem như chuyện đã rồi mà không một lời giải thích. Căn cứ Luật sĩ quan thì phải 3-4 năm nữa, cấp hàm ấy mới đủ tuổi nghỉ. Tuy nhiên, tôn trọng tổ chức, chấp hành “quyết định”, ông điềm tĩnh bàn giao sổ sách, tài liệu chi bộ và công việc chuyên môn, chào giã biệt anh chị em trong khoa, nhưng từ chối dự “liên hoan” chia tay.
Chưa từng có một trường hợp nào cán bộ được học hành đào tạo bài bản, nhưng không hề bị kỷ luật dù nhỏ nhất được giáng nghỉ một cách “bí mật” như vậy cả. Khi nạn nhân không chấp nhận và chất vấn thì họ tránh trớ và giở trò đe nẹt, thậm chí cả thách thức và dọa dẫm, rằng đã cầm quyết định rồi thì phải chấp hành thôi. Không thể thay đổi được! Nực cười một lãnh đạo bệnh viện còn làm ra vẻ quan tâm, thản nhiên hỏi “Phú con duy nhất của liệt sĩ à? Vợ là thương binh?”.
Tìm hiểu, nắm được căn nguyên của vấn đề, té ra người ta muốn nhận về một kẻ quen thân, ra trường nhiều năm nay, dù chưa có bằng chuyên khoa bỏng, nhưng ưu điểm nổi bật là “khỏe mạnh và hát hay”… Để nhận người mới về, tất phải đẩy người cũ đi, dọn chỗ trước. Đó là điều khó chấp nhận, bác sĩ Phú quyết làm cho ra nhẽ. Bên cạnh những kẻ xấu, vẫn còn rất nhiều người tốt và tử tế. Họ ủng hộ cuộc đấu tranh tìm ra chân lý, bảo vệ người trung thực. Vụ việc loang rộng ra cả nước, khiến dư luận bất bình và công luận đã vào cuộc. Báo Tiền Phong (ngày 6-12-1995) kịp lên tiếng, với bài “Một quyết định nghỉ hưu có nhiều uẩn khúc” của nhà báo Thái Hoàng. Cuối cùng, mọi việc được sáng tỏ! Sau 365 ngày “ngồi chơi xơi nước”, tháng 6-1996, Bộ Quốc phòng có văn bản: Trung tá bác sĩ Phạm Đình Phú trở về Khoa bỏng và tạo hình, tiếp tục công tác. Nhiều đồng nghiệp cùng bầu bạn và bệnh nhân kéo đến chúc mừng ông.
Năm 1998, ông nhận quân hàm Thượng tá và năm 2002, được thăng hàm Đại tá. Tháng 2-2003, đại tá bác sĩ CKI Phạm Đình Phú được vinh danh “Thầy thuốc ưu tú”. Tròn tuổi 60, ông mới được nghỉ chế độ.
Sống lạc quan, yêu đời, tâm hồn bay bổng, bác sĩ Phạm Đình Phú đã cầm bút. Tập thơ đầu tay của ông được Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành năm 2006 với tên “Có thể nào quên”. Những vần thơ mộc mạc, chân tình và ấm áp. Ấy là nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi về người cha liệt sĩ đã dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc.
“Cha tôi có mỗi mình tôi,
Hai người nhập ngũ một người hy sinh.
Non sông một giải thanh bình,
Bôn ba lặn lội một mình tìm cha”.
(Tìm cha)
“Ngọn đèn soi
Người thoáng hiện cười tươi
Vẻ phong trần dáng “Anh Vệ quốc”
Mắt hiền từ Cha bước đến bên con
Trong mơ
Những bước chân chắc nịch”.
(Bước chân)
Và niềm tự hào nho nhỏ của người con, ông viết:
“Cây đã vươn cành
Hoa trái rợp màu xanh
Hạt giống cha gieo trong bão tố
Con vươn mình gặt hái những mùa vui…
Với “gia tài” 7 tập thơ (“Có thể nào quên”, “Hạt giống cha gieo”, “Thương nhớ người dưng”, “Ngoảnh lại mùa đông”, “Lời ru xanh”, “Bông nở trái mùa”, “Ấm lòng những nụ hôn như thế) và 1 tập truyện ký “Blouse màu lá”, người thầy thuốc trở thành hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong căn nhà nhỏ trên đường Hạnh Thông, quận Gò Vấp, vào tuổi U80, bác sĩ Phú vẫn tiếp tục tận hiến, khám và tư vấn sức khỏe giúp người; nhất là ông vẫn giữ thói quen đọc sách và cầm bút. Ông hằng tâm niệm: “Bạc tiền bao nhiêu rồi cũng hết. Danh vọng, quyền lực rồi cũng qua. Chỉ có tình người xanh tươi ở lại. Như cây trời kết trái đơm hoa”.
N.M.N