- Lý luận - Phê bình
- Văn chương và những ngộ nhận đáng buồn
Văn chương và những ngộ nhận đáng buồn
Lê Xuân
Tôi đã đọc một số bài thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từ những năm trước, nó như có tính “dự báo”, “dọn đường” cho trường ca “Lò mổ” ra đời tạo được tiếng vang. Và thi ca với sứ mệnh thiêng liêng của nó, qua trường ca “Lò Mổ” cũng sẽ vượt qua biên giới của lý trí để tới với bạn bè năm châu bốn biển.
Bìa Trường ca “Lò Mổ” của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Ở bài viết nhỏ này tôi chỉ đưa ra những cảm nhận cá nhân sau những ồn ào tranh cãi về “Lò Mổ”, trân trọng mọi ý kiến, tuyệt nhiên không nhằm “bốc thơm” hay “châm chọc” một ai.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, anh viết trường ca “Lò mổ” từ năm 2016 và đến nay sau nhiều lần chỉnh sửa vẽ tranh mới hoàn thành. Trong buổi ra mắt sách khá hoành tráng ở NXB Hội Nhà văn Việt Nam – 65 Nguyễn Du, Hà Nội, anh cho biết lý do viết trường ca “Lò mổ” là khi cùng cha ghé qua lò mổ ở ngoại ô Hà Đông: “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tiếp xúc với một không gian u ám, tàn khốc, nơi chứng kiến cảnh giết chóc những con vật”; rồi trong cơn ác mộng… tôi nhìn thấy những con bò xếp hàng, trò chuyện và bước tới để nhận cái chết. Tôi nghe thấy tiếng những con bò rống vang khi bị chọc tiết, tôi nhìn thấy máu chảy xối xả… tôi nhìn thấy linh hồn những con bò bay qua ô cửa sổ lò mổ …”. Như vậy là cái bi thương ấy cứ ám ảnh anh và anh cầu mong sau cái chết đó là sự nẩy mầm của sự sống.
Sau khi ra mắt sách, đã có nhiều bài viết ca ngợi và cũng có những tiếng nói “phản biện” với một tâm thế mang dấu ấn cá nhân của một cách đọc “chụp mũ” cùng với sự đố kỵ. Việc khen chê một tác phẩm là chuyện bình thường trong giới học thuật xưa nay. Song, để khen cho đúng, chê cho đúng không phải chuyện dễ. Có lẽ ta nên nhớ lời nhà hiền triết Tuân Tử (313 – 235 trước Công nguyên), người Trung Hoa, đã dạy: “Người chê ta đúng là thầy ta, người khen ta đúng là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”. Khen đúng, chê đúng giúp ta được bài học để bước tiếp. Còn khen chê không đúng thì quả là điều đáng buồn. Nó làm vàng thau lẫn lộn, đưa người ta vào “ma hồn trận” để “ma đưa lối quỷ dẫn đường” (Nguyễn Du). Nguyên nhân của những tranh cãi nằm ở nhiều phía, chủ quan và khách quan.
Trước hết là ở cách đọc. Ở trường ca “Lò Mổ”- một tác phẩm có sự kết hợp giữa Thơ và Họa đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc. Đọc lần thứ nhất chỉ là cách đọc “bì phu” (sờ vào da của tác phẩm). Ta phải đọc lần hai, còn gọi là cách đọc “cốt nhục”, đi vào phần xương thịt của tác phẩm. Rồi đọc lần 3, hoặc lần thứ “n” – cách đọc “hút tủy” tác phẩm thì mới từng bước thấy hết cái “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) của hình tượng thơ mang lại. Cái buồn, cái đau, cái ác, cái xấu bị đẩy lên tận cùng để cái đẹp, cái tốt nảy mầm vươn ra ánh sáng, để “Sự sống lại bắt đầu từ cái chết” như nhà văn Nguyễn Khải đã nói. Tính nhân văn được đưa lên một tầm cao mới. Nó là “tảng băng chìm” đang từ từ nhô lên mặt biển sau giông tố.
“Lò Mổ” không phải là tác phẩm dễ đọc, nó như một món “hàng hiệu” kén khách. Tùy vào trình độ và tâm thế mà người đọc lĩnh hội được những gì. Lâu nay một số bạn đọc quen với với lối thơ truyền thống, có vần điệu du dương, hình ảnh lấp lánh, dễ nhớ dễ thuộc, nên khi bắt gặp một loại thơ tự do viết theo lối mới thì có cảm tưởng như khi ăn cơm ta nhai phải hạt sạn, điều đó cũng dễ hiểu. Vì thế đã có nhà thơ tự xưng “dịch thơ Việt ra thơ Việt” cho dễ nghe, dễ nhớ.
Khi tôi đọc trường ca ta này lần đầu, đọc xong tôi nhắm mắt lại như bị “ma ám”, mộng mị khi bay lên chín tầng mây, có khi như rớt xuống địa ngục cùng con bò và tay đồ tể. Nhưng khi tỉnh lại đọc lần hai, lần ba cho hình tượng thơ thấm vào hồn thì lúc đó khó dứt ra và ta thấy hân hoan chào đón chú Bê con chào đời trong ánh sáng. Phải sống, phải trải nghiệm mới hiểu hết trường ca này, và ta sẽ thấy những liên tưởng “ngoài tác phẩm” đem tới nhiều điều thú vị. Bởi nhà thơ vốn là một họa sĩ thuộc trường phái “hiện sinh” nên đã đem vào trường ca nhiều “ẩn dụ liên tưởng”. Và nếu ai ít vốn sống về các lĩnh vực hội họa, mỹ thuật, âm nhạc…thì khó thẩm thấu hết thông điệp mà nhà thơ gửi vào tác phẩm qua các hình tượng nghệ thuật đa chiều, đa nghĩa, nhiều khi rất siêu thực.
Sự kết hợp giữa Thơ và Họa trong “Lò Mổ” là một sự tìm tòi mới lạ về hình thức, nó khác với loại “truyện tranh thiếu nhi”. “Lò Mổ” chuyển tải một nội dung về thân phận con người và cuộc sống với tất cả sự ái, ố, hỉ, nộ và bi thương như cuộc đời vốn có. Vì vậy có thể một số người hôm nay cho “Lò Mổ” có nhiều hạt sạn thì biết đâu sau một thời gian được bạn đọc thẩm định, rồi “mặc định” thì bạn sẽ điều chỉnh lại cách đọc, cách cảm để thấy những mặt thành công, sự cách tân thể loại cùng những hạn chế của trường ca này. Nhưng dù sao đi nữa thì khi chúng ta đọc và cảm cũng nên “Lấy hồn ta để hiểu hồn người” như nhà Phê bình văn học Hoài Thanh đã nói. Song, thời đại đã mở của với trí tuệ nhân tạo AI, với ChatGPT thì không những thơ ca mà nhiều loại hình nghệ thuật còn đổi mới và tiến xa hơn nữa. Cái vỏ của thơ ca cũng phải nới rộng biên độ để có thể chứa đựng những nội dung mới, khái niệm mới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Với “Lò Mổ” là sự kết hợp rất hài hòa giữa Thơ và Họa, giữa nội dung và nghệ thuật qua 18 chương của trường ca được tóm lược qua 18 bức tranh mang tên “Nguyện cầu”, phản ánh khá rõ chủ đề của từng chương, và khi xâu chuỗi lại nó là một tổng thể khá hoàn chỉnh của một câu chuyện được diễn tả bằng “thơ tự do” bằng bút pháp thơ “hậu hiện đại”, mang hơi thở “phân tâm học” của Freud, điều mà ta không dễ gì đọc lướt để hiểu hết thông điệp của tác giả. Đọc, liên tưởng, phản biện… các tầng nghĩa chìm sẽ từ từ hiện lên, và ta “đồng sáng tạo” cùng tác giả. Loại thơ này rất kén người đọc.
Vì vậy sau khi “Lò Mổ” ra mắt, đã có nhiều bài viết trên các báo, Tạp chí, facebook cá nhân của một số tác giả đã có nhiều “phản biện”, tranh cãi, tạo nên một không khí thẩm định tác phẩm đa sắc màu. Nếu tác phẩm cứ đèm đẹp nằm yên trong ao làng thì có ích chi. Chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có những lời tự bạch, tâm sự với bạn đọc về sự ra đời của tác phẩm và ý định của nhà thơ về một xu hướng sáng tác đa văn bản, nhiều liên tưởng của sự kết hợp giữa Thơ và Họa.
Những ngày qua, có người hỏi tôi về các ý kiến tranh luận quanh trường ca “Lò Mổ”. Tôi thấy vui buồn lẫn lộn. Nhưng trên hết, tôi nhận ra rằng: Vẫn còn nhiều người dành sự quan tâm nghiêm túc với văn chương. Đó là điều đáng mừng. Song, trong những tranh luận đó, cũng có những ngộ nhận, đáng tiếc thay lại đến từ những người cầm bút.
Sự ngộ nhận về chính trị.
Một số người cho rằng trường ca “Lò Mổ” có hơi hướng của “cách mạng màu” hay mang tư tưởng “diễn biến hòa bình”. Theo tôi, nhận định như vậy là quá vội vã, thậm chí là áp đặt. Tôi không viết chính trị, tôi viết văn học. Và như thế hệ của tôi đã trải qua, ai trong chúng tôi cũng biết đâu là ranh giới để tự gìn giữ mình mà vẫn không đánh mất ngòi bút trung thực.
Không nên gán ghép những suy diễn chính trị vào một tác phẩm văn học phản ánh hiện thực. Văn học, suy cho cùng, là tiếng nói của con người trước cái Thiện, cái Ác, là nơi người viết đối thoại với thời đại, chứ không phải một công cụ tuyên truyền hay đả kích phiến diện. Chừng nào còn đòi hỏi văn học phải thuần phục một màu duy ý chí, chừng đó văn chương còn nghèo đi và xã hội càng thiếu đi một “tấm gương phản tư”
Và câu chuyện đố kỵ.
Đây mới thật sự là điều khiến tôi trăn trở. Không ít người trong giới cầm bút vẫn còn mang tâm lý “văn mình, vợ người”, luôn muốn mình nổi trội hơn người khác. Hôm qua còn là bạn, hôm nay thấy người kia đoạt giải hay được độc giả mến mộ, liền sinh lòng ganh ghét, xa lánh, nói xấu, thậm chí vùi dập nhau bằng lời mỉa mai. Tôi không trách, nhưng tôi tiếc.
Bởi một người viết thật sự, thì trái tim phải rộng hơn những toan tính thiệt hơn ấy. Văn chương không nuôi được ai, nhưng nó nuôi lớn nhân cách của người cầm bút. Năm 2010, tôi đã có hai bài thơ trào phúng đăng trên website Hội Nhà văn Việt Nam: “Kẻ đố kỵ” và “Kẻ hãnh tiến”. Xin trích một đoạn trong bài “Kẻ đố kỵ” – như một tấm gương phản chiếu:
“Kẻ đố kỵ thời nay đầy rẫy/Ghen ghét người, vạch lá tìm sâu/Cho mình giỏi còn người đời dốt hết/Nhìn bạn bè bằng nửa con ngươi/Kẻ đố kỵ hay khoe khoang ầm ĩ/Luôn thổi phồng thành tích cá nhân/Và với ai cũng bới lông tìm vết/Ném đá giấu tay hại cả bạn mình/Kẻ đố kỵ hay ngồi lê mách lẻo/Buôn “dưa lê” đủ chuyện trên đời/Thấy ai hơn mình liền hằn học/Cố phịa ra điều xấu hại người/Kẻ đố kỵ lắm mưu gian kế hiểm/Khi giấu đầu, khi lại hở đuôi/Người khác khổ đau, hắn cười khoái trá/Chẳng biết mình cũng chỉ một loài tôm”*
(*“Loài tôm cứt lộn lên đầu” – thành ngữ dân gian)
Thói đố kỵ rất dễ dẫn đến sự dối trá. Và điều ấy, sớm hay muộn, sẽ quay lại làm hại chính ta. Nhà văn Edmondo De Amicis – nhà thơ, nhà báo người Ý, từng viết: “Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc. Nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim bạn.”
Nhà văn, nhà viết kịch người Nga Yuri Olesha (1899–1960) có một tiểu thuyết để đời mang tên “Đố Kỵ” (Envy, 1927). Đó là một tác phẩm đậm chất thơ nhưng chua xót, thể hiện đúng bi kịch của sự ganh ghét trong xã hội hiện đại. Nhà phê bình Joseph Epstein thì nhận xét: “Trong bảy mối tội đầu của con người, chỉ có đố kỵ là không đem lại bất kỳ sự thỏa mãn hay vui thú nào.”. Chữ envy bắt nguồn từ tiếng Latin invidia – nghĩa là “mất thị giác”. Trong “Thần khúc” của Dante (1265–1321), hình phạt dành cho kẻ đố kỵ là bị khâu mí mắt bằng dây chì, như một biểu tượng cho sự mù lòa và tầm nhìn hạn hẹp của tâm hồn.
Văn chương cần sự đổi mới nhưng không thể tách rời chân thật.
Nội dung và hình thức trong văn chương là hai mặt của một đồng xu. Nhà phê bình văn học người Nga Nicolaieva từng viết: “Không có hình thức nào không chứa đựng nội dung, và không có nội dung nào tồn tại ngoài hình thức. Phá bỏ hình thức là phá bỏ nội dung, và ngược lại.”
Trường ca “Lò Mổ”, nếu có gì đáng nói, thì chính là nằm trong chuỗi 18 bức tranh mang tên “Nguyện cầu”, nơi ngôn từ đã được dồn nén đến tận cùng. Nhà văn Xsedrin từng nói một câu bất hủ: “Văn học nằm ngoài những định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.”
Đã một thời có những tác phẩm từng bị cấm như Thơ Mới hay các tác phẩm của nhóm “Nhân văn giai phẩm”, rồi cuối cùng vẫn được “giải thiêng”, được nhìn nhận lại dưới ánh sáng đổi mới. Văn chương chân chính không sợ bị vùi lấp. Bởi người viết có thể chịu thiệt, nhưng cái đẹp, cái thật thì không thể chết.
Hãy để thời gian và bạn đọc làm trọng tài. Sau những ồn ào, sau những tranh cãi, xin hãy để trường ca “Lò Mổ” tự bước đi bằng giá trị văn chương của nó. Cứ để tháng năm lắng lại, ta sẽ biết đâu là quặng, đâu là ngọc, đâu là vàng, đâu là thau. Và rồi những tranh cãi cuối cùng cũng theo ta về La Mã, chỉ còn tình người, tình bạn đọng lại, như khi ta vui mừng chào đón một chú Bê con kháu khỉnh chào đời.
Tôi tin rằng trường ca “Lò Mổ” sẽ còn để lại dư ba. Và có thể, từ những tranh luận này, chúng ta sẽ khơi lại được một không khí học thuật từng im vắng quá lâu.
L.X