TIN TỨC

Lời bình bài thơ Má Cửu Long Giang

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-12-18 15:41:30
mail facebook google pos stwis
934 lượt xem

Má Cửu Long Giang

 

Khúc ru êm: dòng kênh êm xuôi

Khúc chao đảo: tàu hải quân ruồng bố

Lưỡi lê xọc vào bụng dừa lỗ chỗ

Tìm đặc công đêm trước đánh tàu.

Tuổi hai mươi, con lại được nằm nôi

Má đưa đi trên bập bềnh sông nước

Nôi con nằm là chiếc hầm bí mật

Dưới đáy xuồng chất đầy dừa tươi.

Cắt ngang trận càn, đưa con về cứ

Má lại cùng hoa trái giao liên

Gọi kênh rạch dọc ngang xuôi về giải phóng

Triều xuống, triều lên cũng nhịp bưng biền.

Tóc xanh tiễn chồng, tóc bạc tiễn con

Thương nhớ đỏ môi trầu cắn chỉ

Chiếc xuồng nhỏ ba bình hương liệt sĩ

Má bồng bềnh như khói như sương.

Năn nỉ mãi má mới rời mặt nước

Đêm cây vườn nhớ sóng đung đưa

Con dế gáy đầu giường nhớ mạn xuồng cá quẫy

Tôm búng càng như trẻ chơi mưa.

Nhà tình nghĩa cau vườn chưa kịp hái

Má đã nhập hồn vào Cửu Long Giang.

 

Nguyễn Vũ Tiềm

Thơ Việt Nam thế kỷ XX -

Thơ trữ tình, Nxb Giáo dục, 2005

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Lời bình của Phạm Đình Ân

Đã có nhiều bài thơ ca ngợi bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hình ảnh bà mẹ khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là ở miền Trung, miền Nam - dù hậu phương hay chiến trường - mãi mãi đậm nét trên nhiều trang thơ. Với Má Cửu Long Giang, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã góp một sáng tác tâm huyết vào số những bài thơ đáng trân trọng nói trên. Lời thơ kể về một phụ nữ luống tuổi ở Nam Bộ tham gia chiến đấu trước năm 1975. Vào vai anh bộ đội trẻ, tác giả thật khéo léo vẽ lại cái cảnh nằm nôi thuở bé của một người chiến sĩ tuổi hai mươi. Má Cửu Long Giang đã giấu người lính đặc công như giấu một đứa con của mình trên một cái nôi đặc biệt: Nôi con nằm là chiếc hầm bí mật/ Dưới đáy xuồng chất đầy dừa tươi. Đây là hình ảnh liên tưởng hoán dụ đầy thi vị giữa chiếc nôi (nối từ ngày xưa đến hiện tại) và con thuyền chất đầy trái cây, giữa chiếc nôi và chiếc hầm bí mật. Hình ảnh này thuộc về người chiến sĩ hay thuộc về nhà thơ, hoặc của cả hai, độc giả không cần phân biệt, chỉ biết đây là hình ảnh đẹp, thơ mộng và chân thật. Nhưng đây là chiến tranh, thì sau khúc ru êm vẫn phải có Khúc chao đảo: tàu hải quân ruồng bố. Kẻ thù đã trèo lên thuyền, xọc lưỡi lê khắp chỗ nhằm tìm đặc công đêm trước đánh tàu.

Chỉ với hai khổ thơ thôi, tác giả đã vẽ lên một bức tranh khá hoạt. Người lính đặc công nước như được trở về với tuổi thơ khi nằm trên thuyền của má - một chiếc nôi đưa bập bềnh trên sông nước. Người chiến sĩ coi người má đang che chở cho anh như chính mẹ mình vậy. Anh được sống lại với tình yêu giữa mẹ và con của gia đình mình thuở trước và đang sống với tình yêu mẹ - con giữa người má giao liên và anh. Trong chiến tranh, những người con như anh có nhiều người mẹ, những người mẹ như má Cửu Long Giang có nhiều đứa con yêu quý. Chiến sĩ trẻ Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm (Tố Hữu).

Ba khổ thơ như con thuyền bí mật chở người chiến sĩ dường như cứ xuôi chảy, khiến độc giả yên tâm rằng dọc đường má đã Cắt ngang trận càn, đưa con về cứ. Nhưng, đến khổ thơ thứ tư, niềm xúc động xót buồn về đời mẹ dào lên trong lòng người con - chiến sĩ và lây truyền mạnh mẽ, sâu sắc sang cả chúng ta: Tóc xanh tiễn chồng, tóc bạc tiễn con/ Thương nhớ đỏ môi trầu cắn chỉ/ Chiếc xuồng nhỏ ba bình hương liệt sĩ/ Má bồng bềnh như khói như sương. Thời con gái mất chồng, khi về già mất con. Sự mất mát, hy sinh của má là quá lớn. Con thuyền giao liên như ngôi nhà di động, ba bình hương tưởng nhớ những người thân yêu luôn luôn đi theo. Đây là một chi tiết khá đắt. Hai câu thơ hay nhất trong khổ thơ hay này đã chinh phục độc giả: Thương nhớ đỏ môi trầu cắn chỉ/ Má bồng bềnh như khói như sương.

Khi kết thúc, bài thơ đang cấu trúc theo kiểu 4 câu một khổ thì đến khổ thứ 6, chỉ có hai câu: Nhà tình nghĩa cau vườn chưa kịp hái/ Má đã nhập hồn vào Cửu Long Giang. Sự hụt hẫng này là có dụng ý của tác giả. Má hết lòng vì nhiệm vụ, má đã làm vẹn tròn những gì má muốn, những gì tổ chức yêu cầu. Nhưng, về phía riêng tư đời má, má sẵn sàng chịu thiệt thòi lớn. Má đã nhập hồn vào Cửu Long Giang. Má là người mẹ anh hùng, một hình tượng chung phổ quát. Má mang tên chung của cả một vùng quê đất nước.

                                                                                   PĐÂ

 

___________________________________________________________

Phạm Đình Ân, phòng 201, khu Văn nghệ sĩ, ngõ Núi Trúc,

Phố Giang Văn Minh, P. Kim Mã, Q. Ba Đình, Hà Nội

ĐT: 0903456761

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chất chứa bi hùng vương triều tiền Lý
Nhà văn Phùng Văn Khai quả là quá táo gan và thừa dũng cảm khi bước chân vào một vùng đất trống. Ấy là khi anh quyết định tái hiện các cuộc chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc bằng văn học. Gánh lấy sứ mệnh vô cùng khó khăn ấy, anh tự xem mình là nhà thám hiểm lịch sử hay một đấng phiêu lưu văn học? Không ai trả lời được câu hỏi ấy, ngoài anh.
Xem thêm
Phật giáo hộ quốc dưới góc nhìn tiểu thuyết vương triều Tiền Lý
Sớm mai, sương bạc vương trên cánh sen tĩnh mặc, hồ nước phẳng lặng phản chiếu bầu trời vô tận. Tiếng chuông chùa ngân dài trong làn gió sớm, tan vào không gian như những vòng sóng lan tỏa, vọng về từ ngàn xưa lời kinh Bát Nhã
Xem thêm
“Thu thức giấc” của Trịnh Bích Ngân - Mùa của những rung động
Bài đăng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 4/2025
Xem thêm
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bài của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Các cuộc chiến trong lòng chiến tranh...
HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ là cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Tố Hoài do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2016.
Xem thêm
Đặng Nguyệt Anh - Một hồn thơ không tĩnh vật
Bài của PGS.TS Hồ Thế Hà đăng tạp chí Sông Hương
Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm