TIN TỨC

Ngồi trước mộ mình

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-02-18 18:11:09
mail facebook google pos stwis
1476 lượt xem

HUỲNH VĂN HOA

Cuộc chiến nào cũng vậy. Bên cạnh những trang sử hào hùng, oanh liệt, thì cũng có những trang bi kịch, quặn lòng. Đây cũng là điều dễ hiểu,nhất là đối với dân tộc ta, một dân tộc đi qua bao cuộc chiến đấu, để lại bao nhiêu là núi vọng phu, để lại bao nhiêu là những số phận đớn đau, khôn nguôi dằn vặt.

Nguyễn Đức Mậu, một người lính làm thơ, có một bài thơ như cung đàn lặng thầm, nao buồn. Nguyễn Đức Mậu sinh ngày 14 tháng 1 năm 1948 tại xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nhập ngũ năm 1966, chiến đấu ở chiến trường Lào. Sau hòa bình, ông làm biên tập viên, học Trường viết văn Nguyễn Du, khóa I. Sau đó, làm Trưởng ban thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam.

Từng trực tiếp cầm súng trong những năm chiến tranh, nhà thơ hiểu rõ những hào hùng và bi tráng của chiến tranh, hiểu cái giá của sự hy sinh, của hòa bình. Nguyễn Đức Mậu có Màu hoa đỏ, Thuận Yến phổ nhạc, gây nên bao xúc động về một thế hệ lên đường cứu nước.

Lần này, Nguyễn Đức Mậu dựng lên hình tượng khó quên, hình ảnh người phế binh, sau bốn mươi năm ốm đau, lưu lạc, cô độc, trở về. Đó là bài thơ NGƯỜI NGỒI TRƯỚC MỘ MÌNH:

Sau bốn mươi năm báo tử. Ông về

Thấy ảnh mình trên bàn thờ

Thấy ảnh mình trên bia mộ

Có phải ông một thời trai trẻ

Phải ông người trong ảnh ngày xưa?

 

Bốn mươi năm

Mẹ cha ông lúc xuôi tay nhắm mắt

Mong nằm cạnh con mình

Mộ ông, chiếc tiểu sành không hài cốt

 

Ông trở về trước mộ cha, cúi mặt

Trước mộ mẹ khấn thầm

Hình hài xiêu vẹo

Tuổi chiều nắng tắt ...

 

Nấm mộ ông đắp bằng nước mắt

Hương khói tỏ mờ mỗi đận Thanh minh

Trước bia đá cỏ xanh

Người phế binh dại ngây khuôn mặt

 

Ông nhẩm nhớ những người đã mất

Một con thuyền trong đêm chiến tranh

Bom rơi đặc trời, máu loang mặt nước

Bao người chết. Chết không tìm được xác ...

 

Bao người chết. Chỉ mình ông sống sót

Hơn bốn mươi năm ốm đau, lưu lạc

Người phế binh ngồi trước mộ mình

           NGUYỄN ĐỨC MẬU (Viết và Đọc - Chuyên đề mùa thu 2022)

Bài thơ có 6 khổ, kể về một phế binh, sau hơn bốn mươi năm sống sót, lưu lạc xứ người, nay trở về và ngồi trước mộ mình. Một nỗi buồn lặng thầm về một số phận sau chiến tranh lan tỏa trên từng dòng thơ. Bài thơ không chỉ viết về một số phận, một bi kịch cá nhân trong chiến tranh. Đằng sau nó, đó là, những thân phận của nhân dân mình, một nhân dân qua lửa đạn, sau bốn mươi năm hòa bình, sau bao người ngã xuống, không về và có người trở về:

Bao người chết. Chỉ mình ông sống sót

Hơn bốn mươi năm ốm đau, lưu lạc

Người phế binh ngồi trước mộ mình

Chuyện kể: Sau bốn mươi năm báo tử. Ông về. Nghĩa là, trong ký ức mọi người, ông đã chết. Ông đã chết thật rồi trong hơn bốn mươi năm đó ! Ông có giấy báo tử, có ảnh trên bàn thờ, có ảnh trên bia mộ. Rõ ràng là như vậy mà người trở về vẫn không tin, vẫn cứ hỏi "Có phải", "Phải":

 Có phải ông một thời trai trẻ

 Phải ông người trong ảnh ngày xưa ?

Những câu hỏi như xoáy vào tâm can, dằng dặc của thời gian bốn mươi năm dâu bể, của bốn mươi năm thay đổi của xóm làng họ mạc. Câu hỏi về sự thay hình đổi dạng một con người của ngày xưa và hôm nay, con người trên bia mộ, trên ảnh thờ và con người sống sót, xiêu lạc đất khách quê người, trở về không nguyên vẹn như ngày ra đi. Bi kịch nằm ở đó.

Câu chuyện tiếp tục:

Bốn mươi năm

Mẹ cha ông lúc xuôi tay nhắm mắt

Mong nằm cạnh con mình

Mộ ông, chiếc tiểu sành không hài cốt

Những ngày tháng cuối đời, trước khi nhắm mắt xuôi tay, từ biệt  cõi đời, mẹ cha ông chỉ mong ước duy nhất: nằm cạnh con mình. Có điều, bên ngoài chiếc tiểu sành không hài cốt đó, có một con người bằng xương thịt đang vật vờ, phiêu dạt xứ người. Tội nghiệp cho cha mẹ, hôm nay, ông về đây, về trước mộ cha, mộ mẹ, trong tuổi xế chiều của cuộc đời với hình hài không vẹn nguyên, xiêu vẹo:

Ông trở về trước mộ cha, cúi mặt

Trước mộ mẹ khấn thầm

Hình hài xiêu vẹo

Tuổi chiều nắng tắt ...

Ông nhìn ngôi mộ của mình, ngôi mộ đắp bằng nước mắt, nước mắt nhớ thương của cha mẹ, của người thân trong hơn bốn mươi năm đằng đẵng. Khói hương mờ tỏ trong "mỗi đận Thanh minh", nhớ ông. Trước tấm bia đá, trời vẫn xanh, cỏ vẫn xanh, chỉ có riêng ông "dại ngây khuôn mặt":

Nấm mộ ông đắp bằng nước mắt

Hương khói tỏ mờ mỗi đận Thanh minh

Trước bia đá cỏ xanh

Người phế binh dại ngây khuôn mặt

Phút giây ấy, ông nhớ về cuộc chiến, "bom rơi đặc trời, máu loang mặt nước / nhẩm nhớ những người đã mất / bao người chết. Chết không tìm được xác" và chỉ mình ông sống sót, thành phế binh, bao nhiêu năm nơi quê người, nhớ nhớ quên quên, về ngồi trước ngôi mộ của mình:

Ông nhẩm nhớ những người đã mất

Một con thuyền trong đêm chiến tranh

Bom rơi đặc trời, máu loang mặt nước

Bao người chết. Chết không tìm được xác ...

 

Bao người chết. Chỉ mình ông sống sót

Hơn bốn mươi năm ốm đau, lưu lạc

Người phế binh ngồi trước mộ mình

Trong bài thơ, hai lần nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nói đến: Người phế binh dại ngây khuôn mặt / Người phế binh ngồi trước mộ mình, nhiều câu thơ nói đến bom rơi, máu loang, chết không tìm được xác ... khiến người đọc cảm thấy không yên lòng khi trả lời, rằng là, số phận những người đã chết và số phận người sống sót, lưu lạc, ốm đau, dại ngây khuôn mặt khi trở về, nỗi dau và bi kịch nằm ở phía nào? 
 

Nguyễn Đức Mậu, sau bốn mươi năm, viết về một cuộc chiến khác. Một cuộc chiến không có tiếng bom rơi đạn nổ. Một cuộc chiến đầy nước mắt, cô độc, dằng dặc nỗi buồn sau mỗi con chữ, sau mỗi trĩu nặng ưu tư về số phận người lính sống sót, trở về, lẳng lặng ngồi và nhìn mộ mình, nhớ làng quê, nhớ cha mẹ và đồng đội.

 Nguồn: Đà Nẵng cuối tuần, số 8139, ngày 19/02/2023.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chất chứa bi hùng vương triều tiền Lý
Nhà văn Phùng Văn Khai quả là quá táo gan và thừa dũng cảm khi bước chân vào một vùng đất trống. Ấy là khi anh quyết định tái hiện các cuộc chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc bằng văn học. Gánh lấy sứ mệnh vô cùng khó khăn ấy, anh tự xem mình là nhà thám hiểm lịch sử hay một đấng phiêu lưu văn học? Không ai trả lời được câu hỏi ấy, ngoài anh.
Xem thêm
Phật giáo hộ quốc dưới góc nhìn tiểu thuyết vương triều Tiền Lý
Sớm mai, sương bạc vương trên cánh sen tĩnh mặc, hồ nước phẳng lặng phản chiếu bầu trời vô tận. Tiếng chuông chùa ngân dài trong làn gió sớm, tan vào không gian như những vòng sóng lan tỏa, vọng về từ ngàn xưa lời kinh Bát Nhã
Xem thêm
“Thu thức giấc” của Trịnh Bích Ngân - Mùa của những rung động
Bài đăng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 4/2025
Xem thêm
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bài của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Các cuộc chiến trong lòng chiến tranh...
HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ là cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Tố Hoài do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2016.
Xem thêm
Đặng Nguyệt Anh - Một hồn thơ không tĩnh vật
Bài của PGS.TS Hồ Thế Hà đăng tạp chí Sông Hương
Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm