TIN TỨC

Ðạo thơ hay dụng điển?

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-08-06 19:39:15
mail facebook google pos stwis
5522 lượt xem

Lâu nay, “đạo” văn “đạo” thơ vẫn là một câu chuyện dài bất tận không có hồi kết. Những câu hỏi luôn được đặt ra là: Thế nào là “đạo” (văn, thơ)? Ðâu là giới hạn của việc sử dụng sáng tạo những thành quả của người đi trước, ứng dụng có tiếp biến những giá trị đã có sẵn của văn hóa dân gian, của những mô thức ngôn ngữ phổ cập trong tác phẩm của mình để không bị coi là “đạo” văn thơ? Vì sao tác phẩm sáng tác dựa trên một cốt truyện cũ được coi là kiệt tác, trong khi một truyện ngắn phảng phất ý tưởng của một truyện ngắn đã từng đăng trước đấy tác giả vẫn bị coi là “cầm nhầm” đồ của người khác?...

Ðấy là những câu hỏi không dễ trả lời nhưng không thể không trả lời, vì một nền văn chương trong sạch, lành mạnh và khỏe khoắn.

Chuyện đạo thơ ở nước ta nói riêng, đạo tác phẩm nghệ thuật, công trình nghiên cứu nói chung, từ trước đến giờ cũng có nhiều. Khi toàn cầu đã là một thế giới phẳng thì có thể nói, việc đạo thơ đạo văn như cái kim giấu trong bọc trước sau cũng lộ. Tuy thế, mỗi vụ đạo thơ/hoặc bị coi là đạo thơ lại cũng có những đặc điểm riêng biệt gây ra nhiều tranh luận chưa dễ đi đến thống nhất.

1. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh biên soạn có mục từ “đạo thi”, nghĩa là “dùng trộm câu thơ của kẻ khác”. Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) thì có mục từ “đạo văn”, được định nghĩa: “lấy, hoặc căn bản lấy sáng tác văn học của người khác làm của mình”. Từ định nghĩa này mà suy ra, thì cái hành động “đạo văn” hay “đạo thơ” phải là sự “ăn trộm” có tính chỉnh thể, nghĩa là lấy cả một tác phẩm hoặc gần như trọn vẹn tác phẩm thì mới rõ ra cái nghĩa đạo văn. Còn nếu chỉ lấy ý, lấy một câu hoặc một vài câu thì chúng ta cũng cần hết sức thận trọng khi xem xét và kết luận.

Sở dĩ có thể nói như vậy vì văn học trung đại của Việt Nam và Trung Hoa có đặc điểm rất coi trọng việc sử dụng điển tích điển cố, coi đó là một biểu hiện của sự uyên bác, sang trọng. Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cũng dùng nhiều điển tích, điển cố có nguồn gốc Trung Hoa. Nói cách khác, toàn bộ những sự việc, câu chữ đã trở thành kinh điển, từng được dùng trong sử sách văn chương của thời trước, rồi lại được các tác giả ở thời kỳ sau vận dụng, đưa vào trong tác phẩm của mình, thì không thể gọi là đạo thơ/đạo văn. Chẳng hạn câu thơ trong Truyện Kiều: Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông; chính là được viết ra từ nguyên tác câu thơ của Thôi Hộ trong bài Đề tích sở kiến xứ: Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Dịch nghĩa: Mặt người không biết đã đi về nơi nào/ Chỉ có hoa đào là vẫn cười với gió đông như cũ). Hay như câu “Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều” cũng là cách vận dụng điển tích, có gốc từ câu thơ của Đỗ Mục trong bài Xích Bích hoài cổ: Đồng Tước thâm xuân tỏa nhị Kiều (Cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước khóa chặt hai nàng Kiều). Cho đến thời kỳ Thơ Mới (1932 - 1945), nhiều thi sĩ lãng mạn vẫn còn ưa lối vận dụng điển tích điển cố, nhất là từ các tác phẩm Đường thi. Hai câu kết trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận: “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” chính là sự dụng điển hai câu thơ của Thôi Hiệu trong kiệt tác Hoàng Hạc lâu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Tản Đà dịch: Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai). Thi sĩ Nguyễn Bính còn hơn một lần đưa nguyên văn những câu thơ cổ vào các bài thơ của mình: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu (Viếng hồn trinh nữ), Thiên hạ “chi nghinh Nam Bắc điểu”/ Tình đời “diệp tống vãng lai phong” (Xuân tha hương).

Sau này, Nguyễn Bính còn có một bài lục bát tập Kiều nổi tiếng, mỗi câu thơ là một câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đó cũng có thể xem là một cách dụng điển thú vị và cực kỳ tài hoa.

2. Từ sau 1975, việc dùng điển tích điển cố trong văn chương ít hơn trước nhiều. Nhưng việc một tác giả đi sau mượn ý thơ hoặc một vài câu thơ trong một tác phẩm ra đời trước mình không phải là ít. Năm 1981, thi sĩ Bùi Chí Vinh đã mượn thi đề Tống biệt hành của Thâm Tâm để viết một bài thơ mới với nhan đề Phản Tống biệt hành, được giới học sinh, sinh viên một thời khá yêu thích: Đưa người ta cứ đưa sang sông/ Không sợ tiếng sóng ở trong lòng/ Thâm Tâm lên núi mà tống biệt/ Ta về biển mặn hóa dòng sông. Ngay như trong ca từ của ca khúc nổi tiếng Người Hà Nội, Nguyễn Đình Thi cũng dùng lại nguyên văn một câu trong bài Tiến quân ca của Văn Cao: “Đoàn quân Việt Nam đi” và sau đó mới là “Hà Nội say mê chen đón Cha về kín trời phơi phới vàng sao”. Như vậy, việc dùng một vài câu hoặc ý thơ khó lòng coi là đạo thơ. Điều này khác với việc toàn bộ chỉnh thể tác phẩm bị sao chép hoặc lấy gần như trọn vẹn ý tưởng trong các phần của tác phẩm. Bài thơ Thưởng trà đầu xuân cùng bạn của Trần Đăng Khoa, nguyên tác là một bài thơ 5 chữ với 12 câu, đã bị một tác giả tên là N.C.C ở Hội VHNT Bắc Ninh chuyển thể sang lục bát và đề tên của mình. Trong trường hợp thế này thì mới có thể gọi là đạo thơ. Xin chép lại ra đây cả nguyên tác và bản lục bát: Nhấp chén trà thứ nhất/Da thịt bỗng tỏa hương/Đời thực thành cõi mộng/Trần gian hóa thiên đường/Ta nâng chén thứ hai/Cho đất trời tinh khiết/Tâm ta bừng sáng ra/Biết thêm điều chưa biết/Mai sau đời dẫu tuyệt/Chắc gì hơn lúc này/Nào châm thêm chén nữa/Hai đứa mình cùng… bay…; Ta ngồi nhấp chén trà xuân/Rưng rưng da thịt thấy dần tỏa hương/Trần gian bỗng hóa thiên đường/Đời là thực đấy mà dường như mơ/Ta nâng chén với bạn thơ/Không gian xanh đợi nắng chờ vàng ong/Tâm ta bừng dậy niềm mong/Thêm điều chưa biết cho lòng sáng ra/Mai đời đẹp tựa ngàn hoa/Chắc gì hơn được như ta lúc này/Nào thêm chén nữa cho say/Nghiêng nghiêng hai đứa cùng bay giữa trời.

Trở lại với câu chuyện gây xôn xao gần đây, bài thơ Mùa thi đổ lửa là một trong ba bài thơ của Văn Giá được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến giới thiệu trên trang thơ của Văn nghệ số 1 Bộ Mới. Bài thơ ấy có những câu lặp lại như một điệp khúc: Ở Quảng Trị.../Chỉ có... Có ý kiến cho rằng Văn Giá đã đạo ý ca từ của nhạc sĩ Trần Tiến trong bài Ngẫu hứng phố vì trong bài hát của Trần Tiến cũng có những ca từ mang tính điệp khúc như thế: Hà Nội cái gì cũng.../Chỉ có... Ta thấy sự giống nhau về mô-tip trong cách diễn đạt của Văn Giá so với ca từ bài hát của Trần Tiến đã ra đời trước đó khá lâu. Đó là cùng nói về một địa danh/ một không gian và dùng phép tương phản qua các cặp tính từ trái nghĩa. Nếu như Trần Tiến dùng các cặp rẻ/đắt, buồn/vui thì Văn Giá dùng các cặp: thiếu/thừa, héo/tươi, hiền/dữ và sau đó là một số cặp tương phản nữa: ít/ chi chít, cháy xém/ trắng ngời, trong héo ngoài héo/ trong tươi ngoài tươi. Ngoài ra, chữ “chỉ có” trong ca từ của Trần Tiến cũng được Văn Giá sử dụng trong những câu thơ của anh. Thế nhưng chừng ấy dữ kiện mà đi tới kết luận Văn Giá đạo của Trần Tiến thì e rằng quá khắt khe và chưa thỏa đáng. Đồng ý là bài thơ có sự ảnh hưởng cách diễn đạt, ảnh hưởng mô típ nhưng Văn Giá sau đó vẫn có cách phát triển tác phẩm riêng của mình. Nhìn rộng ra hơn, tư duy dùng tương phản, dùng trái nghĩa để làm nổi bật một vấn đề nào đó đã có trong dân gian từ rất lâu. Một trong những biểu hiện của lối tư duy này thể hiện qua các cặp quan hệ từ “tuy…nhưng”, “dù…nhưng”, “dù…vẫn”, “tuy…vẫn”.

Như vậy, công bằng mà nói, bài thơ của Văn Giá tuy có ảnh hưởng về mặt khởi ý và cách diễn đạt nhưng vẫn có thể coi là một tác phẩm độc lập. Sự ảnh hưởng ở bài thơ của Văn Giá chỉ mang tính cục bộ/ một phần chứ không phải là sự sao chép toàn bộ tác phẩm của Trần Tiến.

Ðỗ Anh Vũ

Nguồn: Văn nghệ số 31/2021.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chất chứa bi hùng vương triều tiền Lý
Nhà văn Phùng Văn Khai quả là quá táo gan và thừa dũng cảm khi bước chân vào một vùng đất trống. Ấy là khi anh quyết định tái hiện các cuộc chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc bằng văn học. Gánh lấy sứ mệnh vô cùng khó khăn ấy, anh tự xem mình là nhà thám hiểm lịch sử hay một đấng phiêu lưu văn học? Không ai trả lời được câu hỏi ấy, ngoài anh.
Xem thêm
Phật giáo hộ quốc dưới góc nhìn tiểu thuyết vương triều Tiền Lý
Sớm mai, sương bạc vương trên cánh sen tĩnh mặc, hồ nước phẳng lặng phản chiếu bầu trời vô tận. Tiếng chuông chùa ngân dài trong làn gió sớm, tan vào không gian như những vòng sóng lan tỏa, vọng về từ ngàn xưa lời kinh Bát Nhã
Xem thêm
“Thu thức giấc” của Trịnh Bích Ngân - Mùa của những rung động
Bài đăng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 4/2025
Xem thêm
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bài của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Các cuộc chiến trong lòng chiến tranh...
HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ là cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Tố Hoài do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2016.
Xem thêm
Đặng Nguyệt Anh - Một hồn thơ không tĩnh vật
Bài của PGS.TS Hồ Thế Hà đăng tạp chí Sông Hương
Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm