TIN TỨC
  • Thơ
  • Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ - Thơ Hải Như

Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ - Thơ Hải Như

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-05-02 18:06:11
mail facebook google pos stwis
83 lượt xem

"Phút ra đi là phút Bác Hồ vào" – câu thơ trong khổ đầu của bài thơ "Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ" như một lời khẳng định đầy xúc động: Bác Hồ chưa bao giờ rời xa miền Nam. Bài thơ của Hải Như là bản hùng ca trữ tình viết về giây phút huyền diệu khi Bác hiện về trong tim đồng bào – giữa tiếng khóc nghẹn ngào, những vòng tay ôm chặt, và cờ đỏ rực trời. Qua hình ảnh Bác dịu dàng "cúi xuống cho cháu nhỏ đòi thơm", hỏi han "ai nhiều nhất đau thương", tác giả khắc họa một lãnh tụ vĩ đại mà gần gũi, một con người hóa thành hồn thiêng sông núi. Bài thơ không chỉ là nỗi nhớ da diết của miền Nam, mà còn là lời thề tiếp nối "trái tim Người vĩ đại" trong hành trình dựng xây đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn chương TP. HCM xin trân trọng giới thiệu bài thơ "Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ" của cố nhà thơ Hải Như.
 

 
BÁC VẪN VÀO MIỀN NAM ĐẤY CHỨ

            “Ai nhiều nhất đau thương, bên Bác đứng gần “…

HẢI NHƯ 
 

Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ

Phút ra đi là phút Bác Hồ vào

Suốt hai bốn năm qua, hỏi có đêm nào

Bác thao thức miền Nam không hiện đến?

 

Buổi sáng ấy, trời trong xanh- đúng hẹn

Cả miền Nam tin muốn vỡ lệ nhòa

Ôm lấy Bác Hồ, xúm xít quanh cha

Mặt tươi ngẩng hướng theo Người vẫy gọi

Đi với Bác có anh Đang, anh Trỗi

Và vui chưa? Lý Tự Trọng đang cười

Ồ nữa kìa, chị Sáu, chị Minh Khai

Thay nhau quạt cho Bác Hồ đứng nói

Ôi xúc động câu đầu tiên Người hỏi:

 “Ai nhiều nhất đau thương bên Bác đứng gần…”

 

Cả miền Nam khi thấy Bác rút khăn

Lau nước mắt- đều òa lên nức nở

Buổi sáng ấy, cờ ta bay rực đỏ

Khắp miền Nam đi đón Bác Hồ vào

Phút bàng hoàng mừng tủi, nói làm sao

Ai cũng muốn ngắm Bác Hồ bằng được

Bác Hồ tới, lệ thường không báo trước

Nhưng miền Nam đã đoán được Bác vào

Dựng thành đồng để Bác đứng thật cao

Cho xa khắp đồng bào đều thấy rõ

Ôi sung sướng được thét vang chữ “Có”

Đáp lời Người “Nhìn thấy rõ Bác không?“

Trời miền Nam sáng ấy dệt mây hồng

Sáng đẹp ấy, Bác mang vào giấc ngủ…

 

Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ

Phút ra đi là phút Bác Hồ vào

Suốt hai bốn năm qua, hỏi có đêm nào

Bác thao thức miền Nam không hiện đến?

 

Buổi sáng ấy miền Nam ơi- cổ nghẹn

“Ai nhiều nhất đau thương bên Bác đứng gần “

Câu đầu tiên Bác Hồ hỏi nhân dân

Khiến cháu nhỏ, khiến cụ già khóc nấc

Và một phút cả vòng người đứng chật

Bỗng giãn ra để lấy lối Bác vào

Ôi Bác Hồ không thích đứng trên cao

Người thích lẫn giữa dòng đời dưới thấp

Bác dừng lại cho cụ già muốn gặp

Bác cúi người cho cháu nhỏ đòi thơm

Vào miền Nam Bác hằng nghĩ tới luôn

Thăm viếng trước các cụ già, cháu nhỏ…

 

Buổi sáng ấy vui bao nhiêu cho bõ

Những tháng năm thầm lặng nhớ Bác Hồ

Da Bác Hồng hào, tóc Bác bạc phơ

Người hiện đến như trong mơ vẫn gặp

Không ngăn nổi niềm vui ai cũng khóc

Nước mắt vui rửa hờn tủi sạch làu

Đến với Bác Hồ không phải qùi đâu

Cho dẫu chót ngàn ngày phạm tội

Nhưng một phút nhận ra, đòi hối lỗi

Người bao dung vẫn cho đứng bên Người

Trời miền Nam sáng ấy nắng vàng tươi

Sáng đẹp ấy, Bác mang vào giấc ngủ.

 

Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ

Phút ra đi là phút Bác Hồ vào

Suốt hai bốn năm qua, hỏi có đêm nào

Bác thao thức, miền Nam không  hiện đến?

Từ những buổi quân thù lê máy chém

Ơi miền Nam những buổi vẫn còn đêm

Không phút nào không có Bác ở bên

Bác Hồ đến từ những ngày tối nhất

Khi anh Trỗi cười khinh viên đạn giặc

Gọi Bác Hồ là lúc nhất đời vui

Bác dạy ta không chỉ biết làm người

Bác còn dạy biết giã từ cuộc sống

Trong truồng cọp vẫn thấy đời rất rộng

Cánh chim bằng bị buộc vẫn bay xa

Cả miền Nam ngày đen tối bên cha

Nên khi đón Bác Hồ vui hết nói

 

Sáng đẹp ấy miền Nam ơi đang tới

Đừng một phút quên làm đẹp ý Người

Vào miền Nam, Bác ao ước trọn đời

Miền Nam cũng ước ao ngày đón Bác

Sáng đẹp ấy, trời miền Nam mây bạc

Với mây hồng ngưng tụ lại không bay

Bác Hồ cười hồn hậu đứng trong mây

Như Tổ quốc- Người muôn đời bất tử

Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ

Bởi mỗi chúng ta rước Bác Hồ vào

Hai bốn triệu trái tim, Bác truyền máu hồng hào

Xin đập tiếp trái tim Người vĩ đại.
 

                                    22/10/1969

(Báo Nhân Dân ngày 05/1/1970 Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng, in trong tập thơ “ Hồ Chí Minh- Người tin ở con người “- NXB CTQG Sự thật ấn hành 12/2924).

Bài viết liên quan

Xem thêm
Những mùa hoa nằm lại – Chùm thơ Hà Thiên Sơn
Chùm thơ của Hà Thiên Sơn là tiếng lòng thổn thức trước những mất mát, hy sinh và ký ức khắc khoải của một thời đạn lửa.
Xem thêm
Giá không có chiến tranh - Chùm thơ Nga do Đinh Nho Tuấn dịch
Giá không có chiến tranh” – Lời thơ Nga vọng về từ những phận người khốn khổ giữa bom đạn, được Đinh Nho Tuấn chuyển ngữ đầy rung cảm.
Xem thêm
Cháy thơm cả sông trôi - Chùm thơ Nguyễn Đức Hạnh giữa miền ký ức Thái Nguyên
Chùm thơ Nguyễn Đức Hạnh là hành trình xuyên qua những miền ký ức, nơi thiên nhiên Thái Nguyên hòa quyện với phận người.
Xem thêm
Hồn thiêng non nước và những nỗi niềm biên ải - chùm thơ Trần Đôn
Thơ Trần Đôn như một bức tranh cảm xúc nhiều gam màu về Tổ quốc - khi thì thổn thức với nỗi niềm biên viễn, lúc lại ngân nga khúc tình tự dân tộc.
Xem thêm
Tháng Tư - Ký ức và khát vọng – chùm thơ Trần Ngọc Phượng
Chùm thơ mới 3 bài: Những người bạn tháng Tư; Sài Gòn ngọc sáng từ đâu; Hoa bằng lăng tháng Tư
Xem thêm
Cung bậc tình yêu – Chùm thơ Phạm Đình Phú
Thơ Phạm Đình Phú mang đến một thế giới giàu cảm xúc, nơi hoài niệm hòa quyện cùng những triết lý về cuộc đời, tình yêu và lý tưởng.
Xem thêm
Từ quê đến phố – Chùm thơ Thùy Vy
Chùm thơ của Thùy Vy là những lát cắt về cuộc sống, với những suy tư về tình thân, nỗi niềm xa xứ, và nét đẹp của thiên nhiên, con người.
Xem thêm
Chùm thơ Đặng Tường Vy
Dẫu hoa đời không nở Lời khen chê cũng thừa Ngược dòng con bến lỡ Giữ tâm bình như chưa
Xem thêm
Hồn quê trong chùm thơ Nguyễn Bá Vượng
Chùm thơ 6 bài của một cây bút xứ Nghệ
Xem thêm
Chùm thơ Trần Quang Khánh - Dấu chân lính trên những đám mây mùa thu
Mỗi bài thơ trong Những đám mây mùa thu như một nốt nhạc trong bản giao hưởng ký ức.
Xem thêm