TIN TỨC
  • Truyện
  • Góc khuất cuộc chiến - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn

Góc khuất cuộc chiến - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-04-22 14:47:06
mail facebook google pos stwis
842 lượt xem

PHẠM MINH MẪN

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm nhưng những góc khuất của nó vẫn là dấu hỏi lớn đối với nhiều người, nhiều gia đình. Nếu chiến tranh là mặt phải của tấm huân chương có thể đeo đỏ ngực thì mặt trái của nó đôi khi là những "rãnh chìm" đầy ám ảnh. Những tình tiết, địa danh trong truyện ngắn đã được tác giả thay đổi, lược bỏ một số chi tiết có thực.


Đoàn nhận được thư của em gái trước khi về sư đoàn làm nhiệm vụ đi tiễu phỉ. Nhìn dấu bưu điện, lá thư đến tay anh mất hơn hai tháng. Anh nghĩ, điều kiện chiến trường đang lúc khó khăn mà thư không thất lạc là may rồi, có đến chậm cũng chẳng sao. Trong thư, ngoài chuyện gia đình làng xóm, cô em gái nhắc đến Thanh, vợ của Quý mới đưa con về ngoại chơi và gửi lời thăm Đoàn. Cậu con trai của Quý đã hai tuổi, kháu khỉnh lắm, lại là đích tôn nên rất được chiều chuộng. Riêng Quý lâu nay chẳng thấy viết thư về. Đoàn chợt nhớ cũng đã lâu không có tin tức gì của Quý. Vậy là họ Giang đã có người nối dõi, cái điều kiện tiên quyết trước khi gia đình cho Quý nhập ngũ. Việc Quý vào bộ đội cũng ỳ xèo khối chuyện. Là con một, bố làm cán bộ sứ quán ở châu Âu, theo quy định thì Quý được tạm thời hoãn nghĩa vụ quân sự. Nhưng không hiểu vì sỹ diện, vì bốc đồng hay vì tình yêu, Quý bất ngờ xin cưới Thanh, khi biết Thanh có thai là viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Thanh ở cùng xóm với Đoàn, học dưới một lớp. Quý quen Thanh trong một lần về nhà Đoàn chơi. Rồi hai người yêu nhau, nhiều lần Đoàn phải làm “thông tin viên” cho mối tình của họ. Vào chiến trường, Đoàn và Quý cùng mặt trận nhưng khác đơn vị, chỉ thỉnh thoảng trao đổi thông tin với nhau qua thư từ. Chiến trường thì rộng lớn, lại đang thời kỳ ác liệt đâu dễ gặp được nhau. Thư của Quý gần đây làm Đoàn vừa thương vừa lo, bởi anh rất hiểu Quý. Toàn mặt trận đơn vị nào cũng thiếu gạo muối, quần áo và đạn dược. Vừa phải lo đánh địch, vừa lo sản xuất tự túc, người lính cực khổ trăm bề. Làm trinh sát như Đoàn, tuy nguy hiểm vất vả nhưng có lúc còn kiếm được cái ăn chứ không gay gắt như cánh bộ binh. Sức vóc như Quý, xưa nay ít phải lao động nặng nhọc lại quen sống trong dư dả, không biết cậu ta sẽ xoay xở ra sao? Trong thư Quý nói rất nhớ nhà, nhớ vợ con và thèm được một bữa ăn no. Đoàn định sau đợt truy quét này sẽ tìm cách liên lạc với Quý để động viên bạn, nhân thể báo tin tình hình quê hương. Còn bây giờ anh phải tập trung vào nhiệm vụ đặc biệt: Chỉ huy tổ trinh sát truy quét bọn phỉ trên đèo Đá Trắng.

Đèo Đá Trắng là khu vực giáp ranh vùng giải phóng thuộc mạn Sơn Thành, Sơn Trung gần cao điểm Chóp Chài, hành lang mà cả ta và địch đều muốn kiểm soát. Đêm đêm bộ đội từ trên cứ xuống đồng bằng, cán bộ dân chính đi công tác đều bí mật qua đây. Lính biệt kích ngụy cũng lấy đèo Đá Trắng làm bàn đạp để tìm cách thâm nhập vùng giải phóng, mai phục, bắt cóc cán bộ, chiến sỹ đi công tác. Đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giằng co giữa hai bên nhưng vì là ranh giới huyết mạch nên dù nguy hiểm, khi cần thiết người của ta vẫn tìm cách vượt đèo. Nhưng từ khi có bọn phỉ xuất hiện thì tình hình rất phức tạp. Vài đoàn cán bộ dân chính và bộ đội đi lẻ đã bị trấn lột hết cả lương thực, thuốc men, tài liệu và cả vũ khí. Tốp biệt kích ngụy cũng từng bị bọn phỉ cho xơi lựu đạn, bỏ chạy để lại một cái xác. Bên ta tuy chưa chết ai nhưng bị thương 5 người, quần áo lương thực súng đạn mất hết. Lúc đầu tốp phỉ có ba tên, một tên bị vướng mìn chết. Sau chỉ xuất hiện một tên, không hiểu tên nữa đi đâu. Tên phỉ còn lại có tung tích thật bí hiểm, hành động một cách thận trọng và khôn ngoan. “Đại bản doanh” của hắn được ngụy trang rất kỹ, đặt tại các hang hốc hiểm hóc giữa trập trùng núi đá, không cố định nơi nào. Chẳng ai rõ lai lịch của hắn. Nghe đồn hắn là tàn binh ngụy, sau trận đánh Chóp Chài bị kẹt lại khu núi đá lẩn trốn cướp giật để sống. Những nạn nhân thoát chết khi đụng độ đều mô tả hắn trông chẳng giống ai. Một gã trên hai mươi tuổi, râu ria không cạo tua tủa. Trang phục thì rất “thập cẩm”, quần Tô Châu Trung Quốc nhưng mũ và áo lại của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Hắn dùng súng AK và cả tiểu liên AR15 của Mỹ. Như một con cáo lõi đời, hắn thoắt ẩn, thoắt hiện rồi bất ngờ tập kích đối phương để thu chiến lợi phẩm. Hành động của hắn rất kín đáo, chỉ liều lĩnh khi hết lương ăn hoặc trắng trợn tấn công uy hiếp nạn nhân vào ban ngày khi biết chắc họ đi một mình…

Bộ đội địa phương, du kích vùng giáp ranh cùng trinh sát trung đoàn mất tháng trời đều không tiếp cận được tên phỉ, phần vì thiếu thông tin, phần vì sự ranh mãnh của hắn. Sự bức xúc càng tăng khi mới cách đây một tuần, giữa ban ngày hắn ngang nhiên dùng báng súng đập vào đầu một chiến sỹ liên lạc chỉ để lấy đi một ăng- gô sắn luộc. Anh chiến sỹ liên lạc sau khi tỉnh kể rằng tên phỉ nói giọng Bắc, có vẻ như bộ đội đào ngũ. Nghe tin nhiều người hoang mang… Không để tên phỉ này cứ tiếp tục tác oai tác quái, ảnh hưởng xấu tới tư tưởng bộ đội, cơ quan tham mưu sư đoàn tổ chức một bộ phận trinh sát đặc biệt để truy quét hắn. Tổ trinh sát có bốn người gồm Đoàn, Trọng, Hậu đều có kinh nghiệm chiến đấu và một chiến sỹ thông tin mang theo máy vô tuyến. Đoàn được giao nhiệm vụ tổ trưởng.

Cả tổ lên phương án đánh địch. Phương án một, các anh giả làm cán bộ đi công tác lẻ, chập choạng tối ba người bí mật phục kích, còn một người ra dụ địch. Họ thay nhau phục cả đêm lẫn ngày, suốt nửa tháng vẫn không có kết quả. Chẳng hiểu tên phỉ có linh cảm hoặc đánh hơi được điều gì mà lặn mất tăm. Nếu tiếp tục mai phục thì bị động mất thời gian, thậm chí tên phỉ ma lanh sẽ án binh bất động vì nghi ngờ. Đoàn quyết định thực hiện phương án hai: lùng sục tiếp cận tên phỉ.

Phải đến tuần thứ tư, đội trinh sát mới phát hiện ra hang ổ của hắn.

Hôm ấy sau khi đã rà soát hết khu vực phía tây đèo, các anh bí mật bám sang đỉnh đèo phía đông. Mạn đèo này hay bị pháo địch ở núi Quế bắn bất kỳ tử không theo quy luật nên tên phỉ chẳng dại gì trụ bám để phơi sườn. Ai cũng nghĩ thế té ra lại không phải. Từ lưng dốc, Đoàn thấy một con đường mòn ngoằn ngoèo chạy từ trên núi xuống một khe suối. Và thật bất ngờ, các anh phát hiện trong một cái hang hẹp lối vào đầy gai góc những “chiến lợi phẩm” tên phỉ cất giấu. Cái kho lương thực tổng hợp có thể nuôi hắn hàng tháng trời, còn vũ khí thì thập cẩm đủ loại. Tên phỉ không có trong hang đá, chắc đang ẩn mình đâu đây. Cả tổ men theo vách đá lùng sục thì phát hiện hắn mang súng đang từ dưới suối bám lên. Đoàn làm ám hiệu gọi Trọng và Hậu, sơ suất để phát ra tiếng động nhỏ. Tên phỉ chợt dừng lại nghe ngóng rồi đột nhiên hắn phóng vọt xuống suối.

Đoàn để Trọng và chiến sỹ thông tin ở lại vách đá khống chế độ cao, còn anh và Hậu chia làm hai hướng áp tới. Đến một bờ đá thấp, Đoàn vừa ôm súng nhảy qua thì loạt đạn đã cày chiu chíu trên đầu. Biết là gặp phải đối thủ không phải tay vừa, anh thận trọng nép sát vào vách đá, phán đoán hướng đối phương di chuyển. Khoảnh khắc im lặng thật căng thẳng. Anh thử lấy nòng AK rê rê chiếc mũ tai bèo lên trên đầu. Một loạt đạn nữa lại vang lên. Xác định được hướng bắn, anh nhẹ nhàng trườn theo vách đá sang bên kia. Hướng của Hậu vẫn im ắng, chắc cậu ta cũng đang bi mật tiếp cận tên phỉ.

Đoàn tiến dần về phía tên phỉ mà hắn vẫn không hề hay biết. Hắn đang nấp sau tảng đá lớn bên cạnh một cây xoan rừng, thận trọng quan sát phía sườn núi. Nửa khuôn mặt hắn che lấp sau thân cây. Đoàn hướng nòng súng vào khuôn mặt tên phỉ đang nhìn ngang, ngón tay anh đặt sẵn vào lẫy cò. Khi khuôn mặt ấy quay lại chính diện, anh chợt sững sờ: Trời, hình như là thằng Quý?

Đoàn chớp mắt nhìn kỹ. Không lẽ anh nhầm. Nhưng sao lại là hắn?

Ngón tay trỏ của Đoàn như cứng lại, không thể kéo được cò súng. Bên kia đối phương hình như cũng bị sốc vì cuộc chạm trán quá bất ngờ. Bốn con mắt nhìn nhau, cả hai nòng súng đều chĩa vào nhau và cùng câm lặng!

Rôi một loạt AK vang lên. Đoàn vội thụp xuống tránh đạn. Đồ khốn, vậy là hắn đã bắn anh trước. Mà hình như không phải, bởi anh thoáng thấy tên phỉ chững lại rồi ngã vật xuống, súng của hắn văng ra bên cạnh. Đoàn kiểm tra lại súng của mình, rõ ràng anh chưa bóp cò! Anh vừa nhổm dậy thì có bóng người ập đến chỗ tên phỉ. Anh nghe tiếng quát của Hậu:

- Giơ tay lên!

Thì ra là cậu ta bắn. Có lẽ tên phỉ bị thương không nặng lắm vì còn ngồi dậy được. Đoàn nghe Hậu gọi to:

- Anh Đoàn lên đi. Lúc nãy anh làm sao thế? Nếu em không nhanh tay thì anh nguy rồi.

Đoàn xách súng chạy đến chỗ tên phỉ. Hắn cúi đầu nhắm mắt rên rỉ, bàn tay trái bị thương nhày nhụa máu, báng súng của hắn bị đạn bắn vỡ toác. Đoàn thầm mong cái sự thật sẽ không như anh nghĩ, rằng đây chỉ là một gã tàn binh, một tên phỉ xa lạ nào đó. Anh lật mặt hắn lên, thảng thốt nhìn sâu vào đôi mắt vô hồn đờ đẫn. Trơi ơi, đúng là một định mệnh. Anh bỗng nổi đóa, giơ tay giáng vào mặt hắn một cái tát thật mạnh:

- Thì ra là mày. Đồ hèn nhát! Tao thật không ngờ!

Thằng Quý (bây giờ không còn nghi ngờ gì nữa, chính là hắn) ngã chúi xuống đất. Hắn cố gượng dậy, đưa bàn tay vấy máu quệt vào mặt. Im lặng một lúc. Rồi bỗng hắn khóc rống lên:

- Đúng là tao đây. Chúng mày bắn tao đi! Đoàn ơi, tao muốn chết ở đây. Đừng đưa tao về sư đoàn…

Hậu ngạc nhiên nhìn Đoàn dò hỏi. Anh không nói gì, chỉ hất hàm nhắc:

- Cậu băng cho hắn. Chuyện dài lắm… Nói với Trọng điện về sư đoàn đã bắt sống được tên phỉ.

*

Đoàn và Quý cùng học một lớp trong trường cấp ba. Hai đứa thân nhau vì đều yêu thích văn học và giống nhau cả sự đa cảm nữa. Những năm học cuối cấp, hai đứa đều trong nhóm học sinh giỏi văn của trường. Hai người cùng huyện nhưng khác xã. Quê Đoàn thuộc vùng màu, ruộng đất ít nên công việc đồng áng có phần nhàn hạ. Con gái đồng màu người óng ả, da dẻ mịn màng là đối tượng theo đuổi của bao chàng trai phố huyện. Nhưng nhàn việc thì cũng đồng nghĩa với ít lúa gạo, cuộc sống quê Đoàn phải bươn chải để kiếm cái ăn. Còn Quý thuộc xã vùng trũng, ruộng đất nhiều, thóc lúa luôn dự trữ từ vụ trước sang vụ sau. Nhà Đoàn nghèo, vách đất mái rạ, bố mẹ là nông dân. Đoàn đến trường bằng chiếc xe thiếu niên Đức do nhà trường phân phối vì thành tích học tập. Vậy là sang lắm rồi, khối đứa phải đi bộ vài cây số đến lớp. Nhà Quý khá giả, học cấp ba đã có chiếc xe đạp Pơ- Giô đỏ chót, tay đeo đồng hồi Thụy Sỹ. Thỉnh thoảng đến nhà Đoàn chơi Quý còn khoác trước ngực chiếc đài Nhật khá lớn, giọng phát thanh viên oang oang từ đầu ngõ. Bố Quý làm ở đại sứ quán, muốn sau này Quý theo nghề ngoại giao nên mua cho rất nhiều sách hay, đa phần là sách dịch. Vì là bạn thân nên Đoàn được đọc miễn phí cả đống sách văn học ấy.

Một lần Quý và Đoàn tranh luận với nhau bài thơ “Những ngày xưa thân ái” của nhà thơ P.H. Bài thơ kể chuyện hai người bạn thân nhau từ thuở ấu thơ, “sách vở cặp chung, quần áo nhàu giấc ngủ, gót nhỏ chân trần, trong túi hộp diêm nhốt dế…”. Họ cùng lớn lên, chiến tranh chia cách, mỗi người đi theo một con đường. Rồi hai người bất ngờ gặp nhau trong một tình huống đầy kịch tính:

“Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay

Tôi buồn, tôi giận

Hôm nay gặp hắn

Tôi bắn hắn rồi

Những ngày xưa thân ái

Không ngăn nổi tay tôi

 

Xác hắn nằm bờ ruộng

Không phải hắn thuở xưa

Tôi cúi nhìn mặt hắn

Nhớ lại thời ấu thơ ”.

Đọc xong bài thơ, hai đưa trầm ngâm khá lâu. Rồi thằng Quý lên tiếng trước:

- Theo mày, chuyện thật hay do ông nhà thơ bịa ra? Bạn bè thân thiết từ nhỏ, mỗi người một cuộc sống, gặp nhau thì gác lại mọi việc mà hàn huyên rồi đường ai nấy đi, sao lại nỡ bắn nhau? Nếu là tao, tao không bao giờ làm thế.

- Nó đi theo giặc, chắc là gây ra nhiều nợ máu lắm?

Thằng Quý xa xăm:

- Ước gì tao gặp cái ông nhà thơ ấy. Tao nghĩ tội nó thì nó chịu, nhưng bắn nó thì không thể là cái thằng bạn thân kia. Tao không thích bài thơ này. Đọc buồn lắm!

 

Lá thư của Quý gửi cho Đoàn cách đây hơn một năm anh vẫn còn giữ. “Đoàn ơi, sao đời lính khổ thế. Gạo thì chẳng nói làm gì, nó đã là thứ thần dược cao cấp cho thương binh và người ốm. Còn chúng tao cứ cái gì có chút tinh bột và chất diệp lục không đắng, không độc là xơi hết. Đến nỗi bắp thối cũng không có để ăn. Mày biết bắp thối là gì không? Bà con cơ sở trong ấp dùng ni lông đựng bắp chôn xuống đất chờ anh em trên núi xuống lấy. Địch đi càn, xe bọc thép chà thủng lớp ni lông làm bắp bị ngâm nước. Khi moi tấm bạt lên phải bịt mũi, rồi luộc thật kỹ, thay nước vài lần vẫn còn mùi thum thủm. Vậy mà mỗi người chỉ được ăn nửa bát, còn lại cho vào túi đựng cơm đi đánh trận. Có thằng trúng đạn hy sinh, túi “cơm” bị bắn thủng, những hạt bắp thối rơi ra. Bà con cứ nhặt hạt bắp thối mà khóc: “Ăn như ri làm sao các chú đánh giặc?”. Khổ nữa là không có muối, chân tay bị phù nề, da vàng bủng. Thèm muối đến quay quắt, bọn tao lấy ớt thiên giã nát với riềng tươi rồi trữ trong lọ kháng sinh, mỗi bữa lấy ra chấm mút… Đoàn ơi, chẳng lẽ tình hình đen tối đến thế này sao? Liệu còn kéo dài đến bao giờ? Tao không sợ địch, cũng chẳng sợ chết. Nhưng tao rất sợ đói, sợ khổ. Nếu biết thế này thì…”. Đoạn thư nhuốm mùi bi lụy của Quý đến đây để chấm lửng. Rồi Quý kể lại những kỷ niệm ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, về cô vợ trẻ mới cưới phải sống xa cách. Nhận được thư, Đoàn đã viết ngay cho Quý để an ủi động viên bạn nhưng không thấy hồi âm. Và thật không ngờ anh lại gặp Quý ở đây trong một tình thế bất khả kháng…

Đoàn mang tâm trạng nặng nề khi đến thăm Quý ở phòng biệt giam. Anh đã báo cáo mọi việc với đơn vị, nhất là hoàn cảnh gia đình Quý. Thủ trưởng đơn vị rất thông cảm với tâm trạng của Đoàn. Kiểm tra lại hồ sơ, đơn vị cũ của Quý ghi hắn đã mất tích đầu năm không rõ nguyên nhân. Nếu hắn bỏ theo địch thì cái đài Gươm thiêng ái quốc đã oang oang đọc tên hắn trên làn sóng điện. Còn nếu hắn đảo ngũ thì không biết sẽ đi đâu? Cũng có thể hắn đã chết mất xác trong trường hợp nào đó, như lũ cuốn chẳng hạn. Trong tập hồ sơ, anh cán bộ quân lực khoanh một vòng tròn “bị mất tích” với một dấu hỏi chấm. Và không một ai ngờ rằng chỉ vì sợ khổ, sợ đói mà Quý đã lao vào con đường tội lỗi, làm hoen ố danh dự gia đình dòng họ…

*

Tòa án quân sự kết án tử hình Quý vì tội đào ngũ và tổ chức phiến loạn. Bản án được thi hành sớm. Trong phòng biệt giam, Quý bị giám sát rất nghiêm ngặt. Người ta sợ Quý nếu thoát khỏi trại giam sẽ trốn về đồng bằng theo địch. Trường hợp đó cũng đã từng xảy ra nhưng Đoàn hiểu rằng Quý sẽ không bao giờ làm như thế.

Đoàn đến thăm Quý lần cuối trước khi nó bị xử bắn. Thủ trưởng đơn vị, thể theo yêu cầu của Đoàn đã chỉ đạo cơ quan chính sách không thông báo trường hợp của Quý về gia đình. Đây không chỉ là vấn đề thuộc quan điểm tư tưởng mà còn về lĩnh vực tình cảm. Không gì có thể biện minh cho sự dao động dẫn đến tội trạng của Quý bởi bao người cũng trong hoàn cảnh như nó mà vẫn bám trụ trung kiên. Nhưng còn vợ con, gia đình Quý? Họ sẽ bị một cú sốc lớn, rồi dư luận xã hội như một ngọn núi sẽ đè nặng lên cuộc sống của họ ở hậu phương. Xét cho cùng họ không đáng phải chịu cảnh ấy và nếu không có chiến tranh, không xung phong đi bộ đội, cuộc đời Quý có thể đã khác. Đó là tất cả những gì Đoàn làm cho Quý. Nghe Đoàn nói chuyện, Quý vô cùng ân hận. Nhưng mọi chuyện không còn cách cứu vãn. Quý nhờ Đoàn sau này nếu còn sống về quê hãy an ủi động viên Thanh và giúp thằng bé ăn học nên người. Và, nếu có thể hãy đánh dấu kỹ nơi chôn cất nó, khi nào hòa bình có điều kiện hãy tìm cách đưa về an táng tại nghĩa địa quê nhà. Quý nói đã chuẩn bị sẵn một tờ giấy ghi rõ họ tên quê quán để trong chiếc lọ nhỏ, chỉ còn chờ ngày ra pháp trường. Đoàn đã hứa với Quý dù anh biết ngày chiến thắng còn xa và bản thân anh cũng không thể lường được những gì đang chờ đợi ở phía trước…

Đoàn không có mặt trong ngày xử bắn Quý. Anh được hai chiến sỹ vệ binh làm nhiệm vụ hôm ấy kể lại: Vào khoảng 3 giờ sáng họ gọi Quý dậy. Một bữa ăn tươm tất được dọn ra: Một lon cơm gạo trắng, một hộp cá dẹt và hai điếu thuốc lá Ru bi. Quý ăn hết, nhưng thuốc chỉ hút một điếu. Sau đó Quý bị vệ binh trói tay dẫn đi. Con đường rừng buổi sớm ấy đầy sương buốt. Cây lá lặng im, nghe rõ cả những hạt suơng rơi… Hai chiến sỹ vệ binh đưa Quý đến một bãi đất trống, trước mặt là một cái hố đã đào sẵn từ hôm trước. Dưới đáy hố có một tấm tăng ni lông đã trải sẵn. Những thủ tục cuối cùng. Quý tỏ ra khá bình tĩnh, yêu cầu không phải bịt mắt và gửi lời vĩnh biệt Đoàn. Rồi hai loạt đạn vang lên…

*

Năm 1992 Đoàn xin nghỉ phép, một mình trở lại chiến trường cũ. Lời hứa năm xưa với Quý vẫn canh cánh trong anh. Đã hơn hai mươi năm cảnh vật thay đổi thật khó nhận ra. Cái quận lỵ của địch ngày nào đứng trên núi nhìn xuống trắng xóa mái tôn giờ là thị trấn huyện đỏ son màu ngói. Mấy cứ điểm của địch ngày ấy giờ đã được xây các cụm tượng đài chiến thắng, lập bia kỉ niệm... Một thế hệ đã lớn lên, hàng ngày cắp sách đến trường, vô tư cười đùa trên con đường mới san ủi. Có lẽ chúng ngạc nhiên thấy Đoàn săm soi tấm sơ đồ, đi ngược đi xuôi để xác định phương hướng. “Nằm cách đường mòn hai mươi mét, bãi đất trống gần ngã ba khe suối, tảng đá lớn chôn sâu một phần ba, chiếc lọ nhỏ ghi tên Giang Hồng Quý”, Đoàn lẩm nhẩm những điều đã nhập tâm.

Thanh vợ Quý tái giá với một thương binh trong làng khi thằng Nhân tốt nghiệp đại học luật, được đồng sự của ông nội nhận vào làm việc trong một cơ quan. Khi có thông báo Quý mất tích, tất cả tình thương của Thanh và gia đình đều dồn hết cho đứa con côi cút. Được cái thằng bé cũng sáng dạ, chăm chỉ học hành. Trong hồ sơ lý lịch của Nhân có đoạn: “Bố Giang Hồng Quý, sinh năm 19.... Nhập ngũ 19…. Mất tích năm 19…”. Điều mong muốn duy nhất của gia đình Nhân là tìm hiểu Quý mất tích trong hoàn cảnh nào, hoặc giả Qúy đã chết thì hài cốt nằm ở đâu? Cũng may có chú Đoàn biết khá rõ khu vực hoạt động của Quý nên gia đình cũng đỡ mất công đi lại. Đoàn đã hứa với cháu Nhân chờ dịp thuận tiện, anh sẽ trở lại chiến trường cũ để kiểm tra một lần nữa.

Và bây giờ anh đang đứng giữa bãi đất trống. Thời gian đã san phẳng nấm mồ nhưng tảng đá anh chôn thì vẫn còn. Phía dưới tảng đá không sâu sẽ có tấm tăng ni lông bao bọc hình hài một con người. “Quý ơi, tao đây, tao đến để đưa mày về quê nhà. Nhưng tao phải nói gì với gia đình, với vợ con mày đây? Thằng Nhân con trai mày đã trưởng thành, cháu giỏi giang và trong sáng lắm. Còn Thanh thì cũng đã yên bề gia thất, chắc mày cũng an lòng ”. Đoàn đốt bó hương lớn cắm xuống cạnh tảng đá. Một cơn gió thổi nhẹ, tàn lửa bùng lên, bó hương bốc cháy ngùn ngụt… Đoàn gờn gợn một cảm giác Quý đang đứng bên cạnh nghe rõ từng lời thầm thì của anh. Và trên khuôn mặt u uẩn của Quý hình như thoáng có nét cười…

PMM

(Rút từ tập truyện ngắn “Giải Nobel thứ bảy”).

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người tình mã hóa – Truyện ngắn Mai Văn Phấn
Lập nhận bưu kiện vào chiều hôm qua, khi nắng cuối ngày đổ xuống hành lang một màu vàng úa. Anh đặt chiếc hộp xuống sàn, hơi thở dồn dập. Lát sau, anh cẩn thận mở hộp, nhưng ngay khi nhìn thấy dòng chữ in nghiêng trên nắp hộp, toàn thân anh như đông cứng: “Hãy đánh thức em! Tĩnh Lam”.
Xem thêm
Thuyền nhân (The boatman) - Truyện ngắn của Bùi Khánh Nguyên
Kevin tua đi tua lại đoạn video về bài diễn thuyết của chàng sinh viên tên Khanh trên giảng đường đại học Mỹ. Mỗi lần tay bấm nút dừng, Kevin lại thốt lên bực dọc.
Xem thêm
Xóm thốt nốt - Truyện ngắn của Lệ Hồng
Truyện đăng báo Nghệ An số ngày 9-3-2025
Xem thêm
Tình muộn – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm
Huân bước chân vào ngôi nhà, ngôi nhà đã 15 năm anh vắng mặt vì thi hành án phạt tù cho tội danh buôn lậu. 15 năm Huân trở về, ngôi nhà vẫn vậy, không gian vẫn không có gì thay đổi, chỉ là cũ kỹ hơn bởi những mảng tường phủ rêu xanh, dưới chân tường hoen ố một lớp màu quằng quện.
Xem thêm
Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
Nhà văn Cao Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Thầm lặng một đời người – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin (1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà.
Xem thêm
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Xem thêm
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382
Xem thêm
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc
Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm