TIN TỨC

Nhà thơ Lê Huy Mậu: Tôi là tôi, cát bụi cũng là tôi

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-04-29 15:51:17
mail facebook google pos stwis
103 lượt xem

NGÔ ĐỨC HÀNH

1. Lê Huy Mậu lễ mễ nhưng nhanh nhẹn không khác ông nông dân vào thời vụ. Gặp nhau chưa kịp chụp tấm hình, chỉ mới bắt tay, nhận câu nói thân thuộc “Chú em à” rồi chia tay. Ông bảo: “Anh về Thanh Chương đây”. Nơi đó là cố thổ, “ta lại về úp mặt vào sông quê”, như câu thơ của ông.

Tôi cũng như ông, lớn lên từ quê, đầm đìa cùng lam lũ; đều từ quê ra phố. Hẳn nhiên, rất rất nhiều nhà văn, nhà thơ như vậy. Với Lê Huy Mậu, mỗi lần gặp ông, dẫu trong các salon, resort đẳng cấp, tôi vẫn nhận ra nơi ông ngan ngát cánh đồng.

Có lẽ vì vậy, năm 2016, tôi có làm bài thơ chân dung về ông, trong bài có mấy câu: “Nhà thơ này ít khi ồn ào giữa chốn đông người / Ông thường chọn cho mình góc khuất / Và chân thành hỏi thật / Thơ chú mày vừa in có bán được không?”.

Lê Huy Mậu sinh năm 1949, từng bước qua “đời lính”. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. “Đời thơ” cũng đã trên nửa thế kỷ, cho đến nay đã in 19 tác phẩm, trong đó có 15 tập thơ. Không nhiều, nhưng cũng không ít.

Nói chuyện với nhà thơ nông dân Lê Huy Mậu, mới biết anh yêu văn chương từ khi còn là một anh lính trẻ, trên mặt trận Tây Nguyên. Nhưng rồi yêu để trong lòng, chỉ bầu bạn với sách vở. Sau khi đất nước thống nhất, Lê Huy Mậu trở về thi đại học năm 1975; ông ước nguyện vào Khoa Văn nhưng lại bị phân vào Khoa Triết học, vì là đảng viên. Nhưng tình yêu văn chương vẫn thì không hề lay chuyển, thế là Lê Huy Mậu "đàn đúm" với cánh thơ Bùi Việt Phong, Lương Minh Cừ, Nguyễn Hòa Bình… để sáng tác.

Lê Huy Mậu còn gặp một “khúc quanh” nghề nghiệp khác, chắn ngang mọi hoài bão của ông suốt 10 năm. Đã có lúc ông nghĩ mình là một kẻ lạc lõng, xa lạ với bầu trời thi ca. Ở đơn vị hải quan mãi, giàu có cũng không, mà sáng tác cũng dở dang, Lê Huy Mậu quyết định dứt áo ra đi khỏi cái nơi, nhiều kẻ ao ước mà không được. Năm 1987, ông đến với cơ quan văn hóa nghệ thuật ở Bà Rịa – Vũng.


Hai nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Trọng Tạo & Lê Huy Mậu.

Tuy sáng tác khá nhiều, nhưng tên tuổi Lê Huy Mậu với tư cách nhà thơ chưa ai biết. Mãi đến năm 2002, gặp ở nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo như một định mệnh. Trường ca Thời gian khắc khoải, trong đó có chương “Khúc hát sông quê” được ông giúi vào tay Nguyễn Trọng Tạo. Bài hát “Khúc hát sông quê” của đồng tác giả ra đời. Tên tuổi Lê Huy Mậu bay lên cùng Nguyễn Trọng Tạo, cùng “Khúc hát sông quê”.

Cũng năm đó, nhà thơ Lê Huy Mậu trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Dẫu không ít thành tựu văn chương, nhưng Lê Huy Mậu giản dị, khiêm nhường. Ông tâm sự: “Là một người viết văn, tôi nhận thấy mình như một thân cây bé nhỏ, bình thường trong khu vườn đại thụ văn chương; và suốt đời cần mẫn, cặm cụi trên cánh đồng chữ nghĩa, nếu có một chút đóng góp được gì....tôi nghĩ ngoài sự đóng góp của bản thân ra, còn có một phần nào nhờ sự nâng đỡ và đóng góp của bạn văn và kinh nghiệm của các bậc tiền bối”.

Rất chân thành, rất Lê Huy Mậu.

2. Chia tay nhoáng nhoàng nhưng nhà thơ Lê Huy Mậu còn kịp tặng tôi tập thơ mới nhất “Như lá đã từng xanh”, NXB Thanh Niên năm 2024. Tập thơ gồm 72 bài, chủ đề chính là tình bạn, tình yêu. Ngoài chùm lục bát 4 bài (tứ tuyệt) được ông viết trên giường bệnh, 6 bài ông gọi là tạp bút thơ, còn lại là thơ tự do. Đó là cảm nhận bề ngoài.

Đằng sau con chữ trong Như lá đã từng xanh là những cảm xúc bật lên từ đúc kết, đốn ngộ ở cuộc đời. “Xưa tôi thấy hạnh phúc ở nhà bên / Giờ tôi thấy bình yên là hạnh phúc”, (Hạnh phúc là bình yên).

Tập thơ là tiếng thở dài của hiện hữu trước vô thường. Lướt qua tên nhiều bài thơ đã linh cảm thấy “có vấn đề” cần đọc. Ví dụ: Đường tới Niết bàn, Hoa ưu đàm, Bản thể, Phía con người, Thao thức, Thời gian, Thực và mơ...Tên tác phẩm đã làm người đọc liên tưởng đến siêu thực.

Tập thơ này mới xuất bản năm 2024, nhưng các bài thơ trong tập được sáng tác trong một thời gian dài, chủ yếu là trong ba năm nhân loại, trong đó có Việt Nam đối mặt với “kẻ thù” phi truyền thống, đó là đại dịch Covid-19. Sự sống và cái chết trở nên mong manh. Lê Huy Mậu chiêm nghiệm về đời sống.

Ở tuổi gần bát thập, chắc chắn Lê Huy Mậu đã sống kỹ càng cùng năm tháng. Nhà thơ trước hết là con người, tâm lý chung ai cũng nghĩ về quá khứ, hay nói về sự quên lãng...dẫu luôn điềm tĩnh. Lê Huy Mậu không ngoại lệ. “Sống rất đông bạn bè nhưng rốt lại / Đong đếm cuộc người chẳng được mấy tri âm”, (Mong ước đơn sơ); “Tôi là tôi. Cát bụi cũng là tôi / Quan trọng gì đâu còn hay mất”, (Thơ viết trước giao thừa); “Ta giữa đại dương / Một giọt xanh hòa vào xanh thẳm / Ta bé nhỏ và ta hữu hạn / Thêm ta biển chẳng đầy / Bớt ta đại dương chẳng cạn”, (Không đề cho tháng ba)...

...

Ta giả tạm! Khổ đau thì có thật

Ta hư không nhưng đau khổ thì không

Chỉ duy nhất con đường Giác ngộ

Là đưa ta được tới Niết bàn

(Đường tới niết bàn)

 

Cách đây hơn 5 năm, nhà thơ Lê Huy Mậu gặp một “biến cố”, do con trai mang đến. Con trai ông là một người tài về công nghệ, khát khao khởi nghiệp, ở lĩnh vực mà bây giờ gọi là AI, chuyển đổi số và cần vay vốn. Khi cậu tâm sự sự với vợ chồng ông choáng: “Tôi nhát gan / Tôi yếm thế / Tôi yên phận thủ tường / Đến mơ thôi, tôi cũng mơ nhỏ bé / Vậy mà con tôi mơ tận đẩu đâu”. Thế nhưng tình thương con thì vô hạn: “Con trai ạ! Bố mẹ chẳng có gì / Ngoài tấm lòng thương con vô hạn”, (Ngày mai, ngày kia, phía trước).

Không có tiền cho con vay, nhưng không “cản” được dự án của người con trai. “Bố đành cho con mượn chủ quyền nhà / Có người bảo thế là mạo hiểm / Bố đánh cược một phần trăm hy vọng vào con”, (Hái trăng).

Khi thực hiện, vốn quá lớn không huy động tiếp tục được nên con trai ông đành chấp nhận đổ bể. Vợ chồng Lê Huy Mậu đành phải bán căn nhà mặt phố lấy tiền cho con mình trả nợ, ngoại thất thập phải tìm nơi ở mới: “Một căn hộ chung cư bình dân / Một chỗ ở ngoại thành mặt hẻm / Có sao đâu,  bố có lương hưu”, (Hái trăng).

Những ngày sau đó, ông chuếnh choáng và lao đao, tâm lý bất ổn, đến nỗi nhà thơ phải lên mạng xã hội “cầu cứu”. Ông cùng gia đình vượt qua bão tố, tìm kiếm an nhiên, buông bỏ. Lê Huy Mậu tin vào những điều thánh thiện ở con người. “Đẹp vô cùng! Trời đất! Buổi sáng nay / Ta thức dậy vươn vai sảng khoái / Không biết ai. Nhưng phải có ai đấy / Chẳng lẽ loài người vô cớ được sinh ra”, (Những ý nghĩ rời rạc).

3. “Nhà thơ này như ông đồ nho / Chữ nghia ngoài trang giấy / Ông lơ đãng nhưng không phải vậy / Thơ ông tình, riết róng chảy Lam Giang”, tôi từng viết về Lê Huy Mậu. Con người ai cũng có cố thổ, thuộc về nơi đó, càng về già, gốc gác “nhà quê” – chữ của Nguyễn Trọng Tạo càng hiển thị lên rõ nét. Lê Huy Mậu không ngoại lệ.

Cùng sinh ra bên dòng sông Lam với ông, có các nhà thơ, nhà văn đã quá cố như Đặng Văn Ký, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Thành An, Hoàng Trần Cương...Mỗi lần về Thanh Cương, ngồi ngắm dòng Lam, Lê Huy Mậu thường nhớ bạn. “Chưa kịp hội ngộ cùng nhau lấy một lần / Nhưng nhà văn cùng uống chung dòng nước / Chén rượu quê bây giờ mình tôi rót / Bây giờ một mình tôi ngồi uống với sông Lam”, (Uống rượu với sông Lam).

Càng lớn tuổi, con người càng sợ cô đơn. Lê Huy Mậu từng viết: “Có những lúc tôi muốn trút bầu tâm sự / Nhưng xung quanh, nhìn quanh chẳng có một ai...”, (Trò chuyện cùng đám bụi). Không phải không có đâu. Người sinh, đất không đẻ là quy luật muôn đời. Cái chính là mỗi thế hệ, tâm sinh lý khác nhau, thang giá trị, mối quan tâm khác nhau. Vậy nên sống trong đời sống mới cần tri âm, tri kỷ.

Thế nhưng Lê Huy Mậu luôn tin những điều tốt đẹp, sống “Như lá đã từng xanh”. Cuộc sống với biến bao thay đổi, thế giới ngày càng đa biến. Thi sỹ vốn cô đơn. Tâm hồn họ vốn nhạy cảm. Những thanh âm trong tâm hồn họ nhạy cảm, dễ rung lên.

Tựa ngày xưa để sống giữa hôm nay”, “Sao bây giờ đủ đầy mà không thấy sướng”, Lê Huy Mậu từng hoài nghi, thảng thốt. Hỷ, nộ, ái, ố suy cho cùng là những cung bậc của đời người. Vấp ngã, đau khổ với bất cứ ai, suy cho cùng là những gia vị trong kiếp người, của kiếp người một lần được sinh ra.

Những lúc buồn nản, hoặc tâm tư bị nhiều xáo trộn của đời sống, có lẽ không ai, nhất là các thi sỹ, không nhớ đến câu thơ của Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ và đứng dậy…”. Nhà thơ sở hữu nỗi buồn, tựa vào đêm, vịn vào câu thơ để bước tiếp; dẫu nhiều lúc: “Những câu thơ hiện lên trong đầu / Nhưng chỉ được vài dòng rồi tắt ngóm”, “Thơ cứ đến và dở dang tất cả”, (Hoa ưu đàm).

Lê Huy Mậu vẫn đi về. Tiếng gọi của ký ức làm cho khoảng cách giữa Vũng Tàu và Thanh Chương quê ông không xa lắm. Ở nơi đó, Lê Huy Mậu, hạnh phúc: “Cụng ly nào! Quá khứ mến yêu ơi”, (Bữa tiệc Tết).

Tháng 3/2025

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mã Thiện Đồng - Người “thư ký” trung thực của mảng truyện ký chiến tranh
Chiến tranh đã tạnh từ lâu, những vết thương thể xác đã lành xẹo nhưng những ký ức kinh hoàng, những vết thương lòng vẫn còn âm ỉ đớn đau trong tâm hồn của những người đã từng bị nhấn chìm trong cuộc chiến vệ quốc Mỹ - Việt vừa qua.
Xem thêm
Hành trình rèn luyện kỹ năng tự học của Nguyễn Hiến Lê
Khi nhắc đến việc tự học, người ta thường nhớ đến tấm gương điển hình là học giả Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, để có được kỹ năng tự học, chính bản thân Nguyễn Hiến Lê cũng phải tự mày mò phương pháp, tự tìm kiếm sách vở và tự nghiên cứu để có thói quen, có được kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực như di tác mà ông để lại.
Xem thêm
Thượng tướng Phùng Thế Tài với mùa xuân đại thắng
Trong hành trình tiến tới Mùa xuân Đại thắng năm 1975, có nhiều vị tướng lĩnh, anh hùng dũng sĩ đã chiến đấu lập công với những dấu ấn đặc biệt. Đã 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những con người góp phần tạo nên chiến thắng lịch sử vẻ vang ấy, nhiều người đã trở về với thế giới của người hiền. Đối với tôi, Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng không chỉ giàu cá tính, có sự quyết đoán, mưu trí, tầm nhìn xa trông rộng, mà ông còn là vị tướng thực hành với những nhiệm vụ cụ thể, ở các khu vực đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó cũng là nét độc đáo riêng biệt của Thượng tướng Phùng Thế Tài.
Xem thêm
Trần Gia Bảo: Văn học thiếu nhi nuôi một đời vui
Bài viết của Tống Phước Bảo trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
Thắp nỗi vắng xa bập bùng từng con chữ
Bài của Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
“80 gương mặt Văn nghệ sĩ Quân đội” Chất lính trong những tâm hồn mơ mộng
80 con người, 80 gương mặt là 80 cá tính khác nhau. Thế nhưng ở họ có hai điểm giao rất độc đáo, đó là màu áo xanh của người lính và tâm hồn nhạy cảm, yêu nghệ thuật và cái đẹp.
Xem thêm
Nhà văn Nam Cao trong thoáng cười lặng lẽ
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. HCM số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Có một người Ninh Bình di cư
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng về nhà văn Hoàng Phương Nhâm
Xem thêm
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - Những kỷ niệm khó quên
Tôi được gặp nhà văn Đỗ Viết Nghiệm từ khá sớm. Đó là Trại viết Đồ Sơn năm 1996. Khi đó tôi đang là binh nhất học ở Trường Lái xe 255 - Tổng cục Kỹ thuật được nhà văn Khuất Quang Thụy đi xe máy lên Sơn Tây làm việc với Ban Giám hiệu để tôi được đi dự Trại viết...
Xem thêm
Những kỷ niệm với nhà thơ Xuân Sách
Trong những thăng trầm mỗi nhà văn nếm trải mỗi người mỗi vẻ ấy, tôi luôn có suy nghĩ rằng, nhà thơ Xuân Sách đã nếm trải nỗi buồn, có những lúc như là sự cơ hàn và cả sự thất vọng ở một tình thế khác người. Và ông đã tự vượt qua. Và ông cầm bút viết ra những bài thơ, những trang văn, theo tôi không ít trang sâu sắc và bình dị. Để rồi, khi sau này dành thời gian viết những bài thơ chân dung các nhà văn, chất lượng và tâm huyết ở thời kỳ mới, đã dường như gây ra những nỗi buồn cho người viết chăng? Tôi vẫn nghĩ chưa có sự công bằng cho các bài thơ chân dung của ông, và về phía cá nhân, tư cách người viết văn, tôi mong muốn các tác phẩm ấy được hiểu một cách bình đẳng. Chúng ta nên tự nâng mình trong sự hiểu và cho phép hiểu mọi tác phẩm văn học nghệ thuật, miễn là phục vụ sự tiến bộ của xã hội loài người, trong đó có những văn nghệ sĩ, để chúng ta, khi viết về nhau một cách bình thường, cũng là chuyện bình thường. Những khuyết điểm, kể cả sự non yếu, ấu trĩ về chính trị của người viết, đương nhiên nó sẽ tự đào thải, thời gian và sự tinh tường của độc giả đích thực sẽ biết giải quyết êm thấm một cách công bằng những điều ấy.​
Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền: Một dòng sông lặng trầm, xoáy xiết
Nhà thơ Quang Chuyền sinh năm 1944 tại Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Từng công tác tại Hội Văn nghệ Việt Bắc. Phó Tổng Biên tập Báo Thông tin. Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 596 (Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Hiện sống và viết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã in các tập thơ: Đường qua kỷ niệm, Chùm quả đầu mùa, Khoảng cuối mùa thu, Hạt giống chim gieo, Lặng thầm, Mắt đêm, Khát, Trở lại cánh rừng, Sông gọi, Chiều đi qua cửa, Lục bát không mùa…
Xem thêm
Thơ Phan Thị Nguyệt Hồng: Nơi cảm xúc giao thoa
Chương trình Thi ca điểm hẹn của VOH và bài viết của Nguyên Hùng về tập thơ Lời khúc tạ mùa xuân của Phan Thị Nguyệt Hồng.
Xem thêm
Từ một trang văn Trang Thế Hy
Bài viết của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Thi & nhà báo Madelein Riffaud
Phim tư liệu về Madelein Riffaud & Bài viết nhân 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi
Xem thêm