TIN TỨC

Nhà văn Phạm Thái Quỳnh một mình thong thả “Bến Xuân”

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2025-07-13 21:47:24
mail facebook google pos stwis
11 lượt xem

 Phùng Văn Khai

 

“Rồi sẽ thành cổ tích”

“Bồng bềnh cát trắng”; “Quán sách bên đường”

“Tiếng gọi trong đêm”; “Hoa thơm thảo”

“Thiên thu tình sử”; “Trăng sóng Hoàng Giang”

“Phận chị duyên em”; “Giai nhân giũ áo”

“Bí mật của chiến trường”; “Hạnh ngộ hoàng hôn”…

Phải là người rất kỹ chữ mới đặt tên các truyện ngắn của mình mà khi ghép lại đã trở thành những câu thơ luôn ngân nga trong lòng bạn đọc. Nhà văn Phạm Thái Quỳnh là một người như vậy, mặc dù anh từng khiêm tốn nói: “Văn chương đã trót đèo bòng thì phải năng cầm bút, đã viết là viết đừng vội nghĩ đến thành bại. Nếu có bại, mình cũng có được một cuộc chơi của riêng mình không gây họa cho ai”. Anh nói vậy thôi chứ với cá nhân tôi, cái tên Phạm Thái Quỳnh luôn sừng sững, là một cột mốc mà tôi luôn hướng đến trong đời văn.

Nhà văn Phạm Thái Quỳnh

Từ khi đam mê và chuyên tâm viết tiểu thuyết lịch sử, tôi đã đọc rất nhiều lần các chuyện lịch sử in trong tập Mùa xuân Lý Chiêu Hoàng của Phạm Thái Quỳnh và các truyện ngắn khác của anh. Ở đó là những cung bậc cảm xúc thẳm sâu và một thái độ rất quyết liệt, rõ ràng, giàu sức biểu cảm trong các thông điệp mà Phạm Thái Quỳnh đưa ra trong các câu chuyện về lịch sử. Phạm Thái Quỳnh từng khẳng định: “Tưởng tượng là đôi cánh của văn chương. Người viết truyện lịch sử không thể thiếu đôi cánh đó để ngược chiều thời gian đến với không gian đã ố màu dĩ vãng. Truyện lịch sử cần đến yếu tố tưởng tượng như người cần khí trời. Đã là truyện không thể không hư cấu, không hư cấu thì không có văn. Muốn hư cấu thành truyện, người cầm bút trước hết phải cậy nhờ yếu tố tưởng tượng. Không gian và thời gian của hiện thực tạo nên lịch sử đã lùi xa, chỉ có tưởng tượng mới đưa người cầm bút trở về với hiện thực đã lùi xa ấy”.

Đối với Phạm Thái Quỳnh, văn chương và lịch sử không chỉ là những giá trị sống căn cốt nhất mà còn là nền tảng để con người trưởng thành. Văn chương và lịch sử vừa là đam mê bất tận cũng là những dày vò truân chuyên vô cùng vô tận đối với anh chăng? Bởi tôi cũng là như thế. Tôi thấy anh luôn lo lắng cho lịch sử từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm trước. Nỗi lo dâu biển cơm áo chúng dân chí khí quân vương tấc lòng ấu chúa thăm thẳm xanh trời. Phạm Thái Quỳnh càng hiểu rằng thao thức với lịch sử có thể không tạo ra vật chất ngay trước mắt nhưng về lâu về dài nếu không có những nhà văn chuyên tâm với lịch sử thế hệ tương lai của chúng ta sẽ ra sao? Nỗi niềm thao thức ấy càng chảy càng chẳng vơi đi mà cứ đầy lên như những ân tình đắp bồi sông biển. Nó là trí óc anh, lẽ sống của anh, cũng là nỗi buồn niềm vui thăm thẳm thiên thu bất tận.

Càng đến với văn chương và lịch sử, dường như Phạm Thái Quỳnh càng có sự thong dong dù những câu chuyện anh viết ra đều canh cánh nỗi đời, phận người. Nói vậy có lẽ nào vô lý? Mà khi đã văn chương sẽ đều có những lý lẽ riêng.

Tôi rất khâm phục khi đọc các truyện ngắn viết về lịch sử của Phạm Thái Quỳnh. Khâm phục để cho mình vững bước, trưởng thành hơn trong trường văn trận bút. Để thấy rằng văn chương và lịch sử không chỉ là vô cùng tận mà luôn rất gần gũi, thiết thân ngay trong miếng cơm ăn, hơi thở hàng ngày. Luôn có cảm giác Phạm Thái Quỳnh không viết về lịch sử anh không chịu được, không an tâm, không muốn làm điều khác. Viết về lịch sử với Phạm Thái Quỳnh là một công việc thiện lương, việc làm của sứ giả, trọng trách của sứ thần. Ở một khía cạnh nào đó, có thể gọi anh là một bậc hành giả trong chốn văn chương về đề tài lịch sử cũng đã làm sao?

Trong truyện ngắn Mùa xuân Lý Chiêu Hoàng cũng là tên tập truyện ngắn của anh, mặc dù những câu chuyện lịch sử đều đã an bài, trở thành một phần của lịch sử, đã được biên chép rõ ràng trong Đại Việt sử ký toàn thư, song dưới ngòi bút của Phạm Thái Quỳnh, nó vẫn hiện lên hết sức sống động và đưa ra những thông điệp khác. Đó là đức vua Trần Thái Tông và Chiêu Thánh hoàng hậu trong khoảng thời gian đầu nhà Trần dựng nghiệp đã phải chịu những cảnh éo le, ngang trái đến tận cùng dưới sự sắp đặt của bàn tay Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Do đức vua lâu ngày không có con với Chiêu Thánh hoàng hậu, Trần Thủ Độ đã ép vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên đã mang thai lên ngôi hoàng hậu đồng thời giáng Chiêu Thánh làm công chúa khiến Trần Liễu khởi binh làm loạn, Trần Thái Tông - Trần Cảnh bỏ lên núi khiến triều đình kinh động mãi mới ổn định được. Về sau, khi công chúa Chiêu Thánh đã lớn tuổi, Trần Thủ Độ lại giáng làm thứ dân để gả cho tướng quân Lê Phụ Trần. Kiếp người thường chưa chắc đã tới nỗi bi ai nhường ấy. Vậy mà dòng dõi quân vương Lý triều đã phải rơi vào nghịch cảnh cổ kim chưa từng có sử sách đã không ít bậc sử gia, thức giả phải than tiếc. Từ những sử liệu như vậy, nếu là một ngòi bút khác ưa thích thần bí, tâm địa khó lường, sẽ có thể mượn vào sử liệu mà bày ra những cuộc ân oán thù hằn muôn kiếp chưa tan. Vậy mà đây, ngòi bút Phạm Thái Quỳnh đã rất trầm hậu và sâu sắc, thấu lý đạt tình, đã đặt quốc gia xã tắc lên trên tư gia cá thể, dù con người ấy có thể là hoàng đế quân vương. Truyện ngắn đã có một đoạn đối thoại cực hay về lịch sử khi Chiêu Thánh đáp lời Trần Thủ Độ: “Họa phúc trong tay ông cả. Như tôi, tôi có xá gì. Tôi thương chồng nên làm theo ý Trần Cảnh. Tôi dám chống lại lắm. Nhưng tôi chống lại, ông không tiếc gì một con dao hay ba thước lụa… đến lúc ấy, ông và Trần Cảnh có thêm một hiềm thù lớn, chắc chắn không còn lương thần minh chúa nữa mà chỉ có thảm khốc. Cuối cùng, tội vạ đổ cả xuống đầu dân. Tôi yêu Trần Cảnh vô vàn nên tôi đâu có sợ lưỡi gươm của ông”. Và con người nổi tiếng quyền biến Trần Thủ Độ đã cảm phục nói: “Hôm nay, kẻ công bộc này mới biết được cái gan của Chiêu Thánh. Thủ Độ tôi kính phục bội phần. Chiêu Hoàng vì Trần Cảnh nghĩa là đã vì giang sơn khiến nước cờ của tôi không bị rối. Bà đúng là một vị thánh”.

Bìa tác phẩm Bến xuân

Rồi Trần Thái sư ngẩng mặt lên trời than: “Mong hoàng thiên soi xét. Nếu hậu thế có nguyền rủa thì hãy nguyền rủa Thủ Độ tôi, xin đừng ai đụng đến nữ vương nhà Lý - hoàng hậu nhà Trần”.

Viết về lịch sử, ở một câu chuyện đã quen thuộc như trên, ngòi bút Phạm Thái Quỳnh quả là đã hết sức căn cơ và huyền diệu.

Thức lâu mới biết đêm dài. Có bước vào trường văn trận bút mới thấy viết về lịch sử thực sung sướng lắm thay mà cũng khó khăn trùng vây lắm lắm. Văn chương và lịch sử chính là định mệnh, tai ách của người cầm bút chăng? Đến bao giờ giải được oan khiên cho Nguyễn Trãi? Đến bao giờ gỡ được án oan cho Nguyễn Thi Lộ? Một công chúa An Tư gả cho Thoát Hoan đến bây giờ miệng lưỡi thế nhân vẫn cay nghiệt nhường bao? Công chúa Ngọc Hân nuốt lệ buốt lòng đọc Ai tư vãn dưới lưỡi kiếm sắc lạnh của Gia Long sử sách văn chương phải thể hiện thế nào? Đã mang nghiệp văn chương và lịch sử người cầm bút như phải cùng một lúc đi dưới tầng tầng bóng đao ánh kiếm.

Sáng tác văn học về lịch sử thật luôn không dễ dàng gì. Lịch sử là những gì đã diễn ra. Cuộc sống, trong đó có văn chương đều là những thứ đang tiếp tục. Chúng ta viết là viết cho chính chúng ta, thế hệ đồng thời và thế hệ trẻ, nhất là những người ở thì tương lai. Nên không thể nào viết thỏa thích theo ý mình, mà phải viết trên tinh thần nhân văn và kiến quốc. Phạm Thái Quỳnh dường như lúc nào cũng đau đáu điều đó. Ông luôn canh cánh với những gì khuất lấp của lịch sử, nhất là những oan khuất, oan khiên thì dường như ngòi bút Phạm Thái Quỳnh luôn tìm mọi đường tơ kẽ tóc để làm sáng tỏ, ít ra là làm ấm lại những trái tim đau buốt thiên thu. Ở đó, Phạm Thái Quỳnh như tìm thấy được chính mình, một sự đồng cảm lớn, một tinh thần trượng nghĩa sẵn sàng đi tới tận cùng để bảo vệ chính nghĩa dù những oan khiên, oan khuất đã diễn ra từ rất lâu, cả nghìn năm, đã bị trùm lấp, bị lãng quên.

Tôi đã đọc Bến Xuân của Phạm Thái Quỳnh trong tâm thế ấy. Này đây Người chơi Mã Đầu cầm mang mang thế sự. Này đây Thỉnh kiến cụ Nguyễn Tiên Điền muôn ngả tri âm. Này đây Trần triều khai ấn khang trang hùng tráng giữa thanh thiên bạch nhật. Này đây Tha quốc anh hùng trùng trùng tâm sự thiên thu… Phạm Thái Quỳnh có tài ngay từ tên truyện: Nhất gia tam hậu; Hoa khói nghìn năm; Giai nhân giũ áo; Sấm động Xương Giang; Bán tiếu kinh thành; Lênh đênh buồm sóng; Hoa cỏ Châu Giang; Đào hoa tình sử;… đều là phải rất sành chữ, có tâm với chữ. Văn cũng như người nếu không kỹ tính, kỹ lưỡng công phu sẽ lập tức thiếu đi sự trầm hậu thẳm sâu của lịch sử. Truyện ngắn càng phải chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng rất cần bay bổng trong từng con chữ. Phạm Thái Quỳnh rất giỏi nắm bắt tâm lý nhân vật. Những lời thoại của nhân vật được Phạm Thái Quỳnh đầu tư chăm chút nên đọc văn của anh rất cuốn hút, ít khi chen vào đó lời ăn tiếng nói của nhà văn, của người hôm nay. Đó là một trong những đặc điểm làm nên tên tuổi Phạm Thái Quỳnh.

Phạm Thái Quỳnh trong sáng tác cũng như trong đời sống luôn có sự lo toan với chiều sâu, sự kỹ lưỡng nhưng cũng rất phóng khoáng và gợi mở. Oan khiên thì phải cởi ra. Chúng ta nhớ rất kỹ những vết thương sâu nhưng cuộc sống cần tiếp tục mới là sự quan trọng nhất. Những bài học từ lịch sử trước tiên và trước hết phải là dành cho người hôm nay đang sống cuộc đời với những thử thách ập đến liên tiếp. Những bài học đưa ra từ văn chương nghệ thuật, từ lịch sử phải có ích cho cuộc sống mà chúng ta đang sống. Ở khu vực này, Phạm Thái Quỳnh phải nói rằng đã rất biết cách thể hiện để các truyện ngắn của mình trực tiếp đặt ra những thông điệp cho cuộc sống, trực diện, thẳng thừng, không né tránh nhưng cũng tuyệt đối không cường điệu lên quá mức cần thiết. Đó chính là sự lão luyện của một cây bút. Đó chính là sự nhân văn, nhân ái của một cây bút.

Chúng ta đang rất cần những nhà văn viết về văn hóa lịch sử, nhất là lịch sử đất nước Việt Nam mấy nghìn năm bi hùng, lẫm liệt, thấm đẫm máu xương và trí tuệ của các bậc tiền nhân. Chúng ta, ở những ngày hôm nay, càng cần thiết phải có các nhà văn ở nhiều độ tuổi sáng tác về lịch sử một cách say mê, trách nhiệm, trí tuệ, kiên cường, dám xông vào vùng đất khó, dám dùng ngòi bút của mình để chuyên chở, làm sáng rõ những thành tựu và khát vọng về văn hóa lịch sử dân tộc. Đó chính là mong muốn chính đáng của nhân dân. Đó cũng chính là sự trả lời một phần câu hỏi về văn hóa lịch sử bằng tác phẩm của nhà văn Phạm Thái Quỳnh.

Những ngày tháng chuyển động dữ dội hôm nay, chúng ta càng nhận thấy sự chuyển động bên trong của cây bút Phạm Thái Quỳnh. Cũng chính anh đã từng cho rằng: “Không có chuyện người nông dân trồng cây rồi chờ hái quả mà lại không bị bão giông vùi dập”. Sự thẳng thắn này càng đáng quý hơn khi anh nhận định về mình: “Nghị lực nhà văn đặt trước một thử thách hoặc là dấn thân hoặc là buông bút”. Anh nói như vậy cũng là nói thay cho giới văn bút vốn phần nhiều đứng trước hố gai miệng vực của sự thành - bại chông chênh.

Nhà văn Phạm Thái Quỳnh không chỉ cường tráng về tâm hồn mà lý trí và niềm tin của anh vào đời sống cũng hết sức rộng dài, thẳm sâu và vô cùng nhân ái. Các truyện ngắn của anh về lịch sử đã cho thấy rõ ràng điều đó. Tài hoa có thể phát tiết ở một vài truyện ngắn nhưng phải trường sức lắm mới đến được Bến xuân một cách thong thả an nhiên như Phạm Thái Quỳnh.

Trong ngày hôm nay, người cầm bút dường như chịu nhiều thử thách hơn, nhất là khi sáng tác về đề tài lịch sử. Khi đọc hai quyển sách Bài sử khác cho Việt Nam (Cuốn Thượng, Cuốn Hạ) của nhà văn, nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường, chúng ta không khỏi kinh động, thậm chí có thể bị “sốc” khi một số vấn đề, sự kiện của lịch sử đã được đặt ra rất khác, thậm chí khác biệt hoàn toàn, trái ngược với những gì được ghi chép trong chính sử. Những điều đó chắc chắn sẽ khiến người sáng tác văn chương đề tài lịch sử đứng trước thử thách không nhỏ trong các sáng tác của mình. Tôi cho rằng nhà văn Phạm Thái Quỳnh cũng không phải ngoại lệ.

Nhà văn Phạm Thái Quỳnh đã rất thẳng thắn với chính mình và với bạn đọc khi trong lời mở đầu đã viết: “Bến Xuân là tuyển tập truyện ngắn của tôi cũng như các cây bút văn xuôi hằng làm. Những truyện trong tập này, nhiều truyện đã được đăng trên các báo. Những truyện chưa hiện trên mặt báo thì đã hiển hiện trong các tập truyện ngắn tôi đã xuất bản.

Tuyển tập này có truyện hiện đại, có truyện lịch sử. Phần hiện đại, nhiều truyện liên quan đến cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Phần lịch sử, hầu hết truyện trân trọng khí phách hào hùng của quân dân Đại Việt đã hóa giải được các cuộc xâm lược của liệt đại vương triều phương Bắc tràn sang.

Bến Xuân là món quà tặng bạn văn chương và bằng hữu gần xa. Nếu thức giả có ý kiến quý báu chia sẻ với tác giả thì tìm số điện thoại qua mục “Tác giả và tác phẩm” ở cuối tuyển tập”.

Tôi đã đọc Bến Xuân của Phạm Thái Quỳnh và các sáng tác khác của anh trong tâm thế ấy. Với tư duy của người sáng tác, tôi muốn trao đổi, đối thoại với anh không chỉ ở Bến Xuân mà còn ở các sáng tác khác của anh và cả của tôi. Văn chương, nhất là các sáng tác về đề tài lịch sử luôn là sự đối thoại không ngừng với chính mình, với đồng nghiệp và nhất là với bạn đọc mến yêu.

Nhà văn Phạm Thái Quỳnh, với những gì anh đã viết ra, chỉ tính riêng trong khung khổ Bến Xuân đã là những đóng góp đáng kể và có trách nhiệm cao của một nhà văn với sứ mệnh văn chương và lịch sử.

P.V.K

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nghiên cứu Hồ Chủ Tịch càng sáng rõ hơn về thượng tướng Phùng Thế tài
Tên bài viết này tôi định đặt là Tôi biết rõ hơn về Thượng tướng Phùng Thế Tài khi nghiên cứu về Bác Hồ để nhấn mạnh tới đối tượng chính nhưng ngẫm nghĩ những tâm sự của Bác Tài rất thần tượng Bác Hồ nên đặt lại như trên. Vả lại cũng đúng với công việc chính của tôi. Thôi thì cứ thật thà mà nói, biết gì nói vậy, cái chính là sự trung thực của người viết.
Xem thêm
Mã Thiện Đồng - Người “thư ký” trung thực của mảng truyện ký chiến tranh
Chiến tranh đã tạnh từ lâu, những vết thương thể xác đã lành xẹo nhưng những ký ức kinh hoàng, những vết thương lòng vẫn còn âm ỉ đớn đau trong tâm hồn của những người đã từng bị nhấn chìm trong cuộc chiến vệ quốc Mỹ - Việt vừa qua.
Xem thêm
Hành trình rèn luyện kỹ năng tự học của Nguyễn Hiến Lê
Khi nhắc đến việc tự học, người ta thường nhớ đến tấm gương điển hình là học giả Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, để có được kỹ năng tự học, chính bản thân Nguyễn Hiến Lê cũng phải tự mày mò phương pháp, tự tìm kiếm sách vở và tự nghiên cứu để có thói quen, có được kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực như di tác mà ông để lại.
Xem thêm
Thượng tướng Phùng Thế Tài với mùa xuân đại thắng
Trong hành trình tiến tới Mùa xuân Đại thắng năm 1975, có nhiều vị tướng lĩnh, anh hùng dũng sĩ đã chiến đấu lập công với những dấu ấn đặc biệt. Đã 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những con người góp phần tạo nên chiến thắng lịch sử vẻ vang ấy, nhiều người đã trở về với thế giới của người hiền. Đối với tôi, Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng không chỉ giàu cá tính, có sự quyết đoán, mưu trí, tầm nhìn xa trông rộng, mà ông còn là vị tướng thực hành với những nhiệm vụ cụ thể, ở các khu vực đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó cũng là nét độc đáo riêng biệt của Thượng tướng Phùng Thế Tài.
Xem thêm
Trần Gia Bảo: Văn học thiếu nhi nuôi một đời vui
Bài viết của Tống Phước Bảo trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
Thắp nỗi vắng xa bập bùng từng con chữ
Bài của Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
“80 gương mặt Văn nghệ sĩ Quân đội” Chất lính trong những tâm hồn mơ mộng
80 con người, 80 gương mặt là 80 cá tính khác nhau. Thế nhưng ở họ có hai điểm giao rất độc đáo, đó là màu áo xanh của người lính và tâm hồn nhạy cảm, yêu nghệ thuật và cái đẹp.
Xem thêm
Nhà văn Nam Cao trong thoáng cười lặng lẽ
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. HCM số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm