- Lý luận - Phê bình
- Trở lại cánh đồng thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
Trở lại cánh đồng thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
Lê Công Minh
Nhà thơ Y Phương ở miền non nước Cao Bằng đã từng tâm niệm: “Thơ cũng giống như tình yêu. Không có sự run rẩy thì không có thơ“. Quả thực, thơ ca thực sự là kết tinh, là ngọc đọng, là phiến Kỳ nam trong rừng trầm hương, là hạt minh châu trong biển hạt trai, là tinh hoa trong vườn phương thảo.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
Quá trình sáng tạo của nhà thơ là sự kết tinh của hồn thơ, sự hòa quyện giữa cảm xúc mãnh liệt và tư tưởng nhân văn cao đẹp cất lên từ hiện thực cuộc đời. Và đó cũng chính là lí do vì sao hai áng thơ “Cánh đồng mẹ tôi” và “Chất vấn cánh đồng” dưới ngòi bút của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả nhiều ấn tượng đẹp.
Thơ ông thể hiện những rung động mãnh liệt, tinh tế, và ấn tượng trong tâm hồn con người trước cuộc sống. Thi ảnh trong thơ Nguyễn Vũ Quỳnh là đời sống tinh thần và tình cảm riêng tư được chắt lọc từ tâm hồn nhà thơ. Hay nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Hình ảnh thơ là nơi tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ tình tự, quấn quýt như hồn với xác”. Bên cạnh đó, thơ còn là mảnh đất màu mỡ để tác giả gieo trồng những cảm xúc chân thực từ cái tôi cá nhân của chính mình. Những ý tứ trong thơ Nguyễn Vũ Quỳnh đều nén chặt cảm xúc của nhà thơ, dẫn lối người đọc đến thế giới tâm hồn của nhân vật trữ tình trong thơ. Đọc bài “Cánh đồng mẹ tôi” và “Chất vấn cánh đồng,” hai bài thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, tôi chợt nhớ đến một phát biểu về thơ của Tố Hữu: “Thơ là một điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” bởi dù được sáng tác ở hai thời điểm khác nhau nhưng đều cho thấy những rung cảm đầu đời với những kỉ niệm về quê hương, gắn bó với đồng quê đến tận bây giờ qua hai bài thơ của ông.
Ông Nguyễn Vũ Quỳnh thuộc thế hệ thanh niên dấn thân yêu đời từ con nhà nông cầm súng ra trận trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Rời chiến trận trở lại giảng đường đi tới cánh đồng văn chương bởi vậy thơ ông thường mang đậm chất đồng quê. Trước hết bàn về tác phẩm “Cánh đồng mẹ tôi”, người đọc dễ dàng nhận ra xuyên suốt bài thơ là những kỉ niệm tuổi thơ của chính tác giả, những điều giản dị nhưng lại hình thành nên cốt cách, con người ông qua hình ảnh làng quê xưa. Từ những lúc hạn hán khiến cho mùa màng bị ảnh hưởng, sông không có nước, cánh cò cáy cua cũng gầy, thiếu sức sống. Hay là những kỉ niệm về con đường quê xưa cũ nơi luôn gắn bó với tác giả khi còn nhỏ chân lấm bùn, miệng hát những câu hò trong veo. Cái trong veo đó theo nghĩa đẹp từ cuộc sống giản dị đến không khí trong lành mà câu hò cũng trong veo.
Đó là:
“Trên bàn đám cưới hoa dong
Con sông trở dạ đục trong đôi bờ
Đường quê cái thuở dại khờ
Bùn nâu chân đất câu hò trong veo”
(Cánh đồng Mẹ tôi)
Khác so với thời đại bây giờ, khi đám cười cô dâu trên tay hoa hồng, lay-zơn. Xưa kia chỉ có hoa dong đặt ở trên bàn nhưng mà vẫn hạnh phúc như ai. Con người ta có đủ cơm ăn áo mặc có đa dạng sự lựa chọn trong mỗi bữa ăn, vào mỗi dịp đặc biệt hai món ăn truyền thống “bánh chưng, bánh xèo” cũng trở nên phát ngấy. Nhưng phải sống trong tâm hồn nhà thơ mới hiểu được hoàn cảnh sống thiếu thốn, khó khăn thời ấy khi bánh chưng, bánh xèo là điều xa xỉ với những xóm nghèo đồng quê, căn nhà bé nhỏ chỉ giản dị với “một góc vại dưa”. Khi đọc đến khổ thơ thứ tư có lẽ nơi ấy tràn ngập sự luyến tiếc xen lẫn chút mừng vui của tác giả khi chị gái đi lấy chồng, vui vì cuộc đời chị đã có niềm vui hạnh phúc:
“Bầu trời thiêu cháy cỏ hoang
Vẫn vang vọng tiếng dô khoan bến Sòng
Cái ngày chị đi lấy chồng
Hoa chuối thắm đỏ bờ sông cầu vồng”.
(Cánh đồng Mẹ tôi)
Có phần khác biệt với những khổ thơ phía trên, khổ thơ cuối chỉ có vỏn vẹn hai câu nhưng là hai câu kết chất chứa ý tứ niềm vui hy vọng được mùa ở cái đất quê nghèo:
“Cái ngày cây lúa trổ bông
Lời ru gặt giữa cánh đồng mẹ tôi”
(Cánh đồng Mẹ tôi)
Có lẽ cái thời điểm cây lúa trổ bông, đến mùa thu hoạch cũng là lúc chủ thể trữ tình lại cảm nhận được những lời ru của mẹ, lời ru ấy gắn liền, đi theo ông trong suốt hành trình dài của cuộc đời. Một lời ru tha thiết, trìu mến, ủ chín yêu thương.
Cũng là một tác phẩm mang chất đồng quê khác của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh đó là bài “Chất vấn cánh đồng”. Vẫn là những hình ảnh đồng quê gắn liền trong hành trình trưởng thành của tác giả như lúa, khoai, những đứa trẻ với mong ước lớn lên trở thành những con người đem theo hoài bão, ước mơ, lí tưởng cao đẹp, “như hương hoa cải”. Ông đặt tên cho bài thơ “Chất vấn cánh đồng” và xem như Cánh đồng cũng là một chủ thể để chất vấn. Ông chất vấn gì đây?
“Bên kia cánh đồng làng. Khoai
Bên này cánh đồng làng. Lúa
Lớn lên chúng mình như hương hoa cải
Bay xa để lại quê nhà
Người trẻ bây giờ đi xa
Mấy ai hiểu muối trắng trên vai áo Cha
Mồ hôi ướt đầm sau lưng áo Mẹ
Để có cánh đồng bên con suối, bờ sông
Để có cánh cò khiêng nắng mênh mông
Để có dẻo thơm hạt gạo trắng ngần
Để góp phần đánh tháng ngoại xâm”
(Chất vấn cánh đồng)
Tình mẫu tử, phụ tử thường mang tính biểu tượng nhưng trong thơ Nguyễn Vũ Quỳnh lại mang tính nhân văn sâu sắc. Qua cách ông sử dụng tinh tế nghệ thuật điệp ngữ kết hợp điệp cấu trúc câu, đã gieo vào lòng người nhiều suy tư về những vất vả của người làm cha mẹ, những con người tần tảo, giàu đức hi sinh suy cho cùng tất cả điều ấy cũng là vì con cháu. Sang tới khổ thơ thứ ba, nơi tràn ngập nỗi niềm băn khoăn, trăn trở của chính tác giả, thời ấy ông còn trẻ, vô tư hồn nhiên chưa hiểu hết được cái vất vả của cha mẹ. Điều ấy được thể hiện tinh tế qua câu thơ so sánh “Vô tư như mây trời đỏng đảnh đáy sông” và nghệ thuật điệp ngữ “Chưa biết lẽ đời, chưa hiểu hết nhà nông”, “mây trời đỏng đảnh”. Hiểu được hoàn cảnh của người thi sĩ, người đọc chắc hẳn lí giải được sự luyến tiếc xen lẫn chút bâng khuâng khi làng quê giờ đây không còn mang tiếng quê như trước nữa, những hình ảnh quen thuộc gắn bó với tác giả thời ấu thơ giờ đây cũng chẳng thắng nổi cái dòng chảy vô tận của thời gian, những hình ảnh được tác giả bộc lộ, chất vấn xuyên suốt khổ thơ cuối của tác phẩm bằng khổ thơ lục bát chất chứa cảm xúc mất mát cái vô tư của thời tuổi trẻ và nhất là quê mất cả dòng sông xưa và đó cũng là tại sao?
“Đâu rồi bông trắng như mây
Để cho con cháu về đây thuở nào
Lạnh về ngọn gió hanh hao
Con sông không chảy ồn ào quê xưa
Làng không còn tiếng võng đưa
Trẻ không còn tắm dưới mưa tồng ngồng
Chia xa rũ rượi cánh đồng
Chiều qua quê mất cả dòng sông xưa”
(Chất vấn cánh đồng)
Cũng bàn về thơ, Pau Tốp Ski nhà thơ nổi tiếng người Nga cho rằng: “Phải sống trong hồn nhà thơ mới hiểu được triết lí thơ của tác giả”. Khi ta sống trong hồn nhà thơ, ta sẽ nhận ra những nét tương đồng và khác biệt trong hai tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh. Ta dễ dàng nhận thấy cả hai bài thơ giống như một câu chuyện về cánh đồng của tác giả, giản dị và chân thành. Lời thơ nhẹ nhàng, tự nhiên, ngôn từ không một chút gọt giũa công phu nhưng lại đẹp, mang chất lắng sâu của đồng quê và tính triết lí sâu sắc. Còn sự khác biệt nằm ở chỗ hai tác phẩm được sáng tác vào hai thời điểm khác nhau, khi tác giả còn trẻ và khi ông trưởng thành. Đặc biệt hơn ở tác phẩm thứ hai “Chất vấn cánh đồng”, lời thơ như những lời giãi bày trong tâm hồn tác giả về những cái mất mát ở đồng quê và cảm thương cho sự vất vả của cha mẹ qua cách ông sử dụng thể thơ tự do và kết bằng khổ thơ lục bát đượm buồn của thời thế hôm nay. Ngược lại bài thơ “Cánh đồng mẹ tôi” lại theo thể thơ lục bát, tác phẩm này có phần ngắn hơn về mặt dung lượng nhưng lại đầy ắp những kỉ niệm khó quên thời xa xưa của chủ thể trữ tình. Chính sự khác biệt trong thời điểm sáng tác, thể thơ đã khắc sâu thêm vẻ đẹp của mỗi tác phẩm.
Nếu “Cánh đồng mẹ tôi” hay ở những bút pháp nghệ thuật tài hoa, ngôn từ được minh họa những đẹp một cách dịu dàng thì “Chất vấn cánh đồng” để lại những triết lí sâu sắc, mất mát về đồng quê thời công nghiệp hóa về nơi ông sinh ra và lớn lên. Hai tác phẩm thơ với những nét tình tứ nối tiếp hình ảnh đẹp để đến cuối cùng người đọc nhận ra cái đẹp, cái hay đôi khi lại nằm ngay trong những điều giản dị, bình thường, đôi khi ở những điều bình dị, thân quen tưởng chừng không thể nào thành thơ mà trở thành thơ thật, bởi cảm xúc sáng tạo lay động từ trái tim thi sĩ.
Không phải ngẫu nhiên mà cha đẻ của thi ca Hy Lạp: Hô-Me-Rơ đã nói: “Một mũi tên và một ngòi bút có thể đâm xuyên qua trái tim của con người”. Bởi lẽ nếu mũi tên làm trái tim rỉ máu, thì ngòi bút lại làm cho trái tim ta rộng mở. Và chắc chắn, trái tim của ta sẽ rộng lớn hơn khi thấm vào trong đó là câu chữ của người cầm bút Nguyễn Vũ Quỳnh cùng hai áng thơ với vẻ đẹp của đồng quê “Cánh đồng mẹ tôi” và “Chất vấn cánh đồng” hấp dẫn làm rung động xao xuyến con tim người đọc. Xin chúc ông sức khỏe, có thêm nhiều tác phẩm thơ hay nữa.
Hà Nội ngày 20/11/2024
L.C.M
* Tác giả Lê Công Minh – học sinh lớp 12, Trường Trần Nhân Tông, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.