TIN TỨC
  • Thơ
  • Khúc Trường Sơn - Chùm thơ Nguyễn Xuân Vượng

Khúc Trường Sơn - Chùm thơ Nguyễn Xuân Vượng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-07-26 18:58:40
mail facebook google pos stwis
189 lượt xem

Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Văn chương TP. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu chùm thơ của nhà thơ - cựu chiến binh Nguyễn Xuân Vượng. Những vần thơ chắt ra từ máu lửa Trường Sơn, vừa là khúc tráng ca bi tráng, vừa là lời tri ân sâu nặng với những hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc.

Bốn bài thơ "Lính ở Trường Sơn", "Đêm trên biển Cửa Tùng", "Giấc mơ người lính", "Rừng trắng" - được rút từ tập thơ sắp xuấn bản - là bức tranh đa sắc về chiến tranh qua góc nhìn người lính. Nguyễn Xuân Vượng không tô vẽ anh hùng mà viết bằng sự thật mộc mạc: cái rét cắt da, cơn khát cháy lòng, những giấc mơ dang dở. Thơ ông ám ảnh bởi hình ảnh vừa hiện thực ("phong bì trong ba lô thiếu cả con tem nhỏ"), vừa siêu thực ("cành cây khô vươn cao vì khát"). Đặc biệt, "Rừng trắng" là bản cáo trạng đau đớn về di chứng chiến tranh, nơi sự sống chỉ còn trong "ba trái tim đồng đội". Thơ ông - dẫu nhuốm màu đau thương - vẫn cháy lên khát vọng về ngày hòa bình, như lời nhắn gửi cho hôm nay: Hãy trân quý những hy sinh đã đổi lấy bình yên.
 

NGUYỄN XUÂN VƯỢNG

 

LÍNH Ở TRƯỜNG SƠN

 

Lần đầu sống xa nhà

Vào Trường Sơn tập luyện

Cao lên được vài phân

Cân nặng thêm một chút…

 

Bất chợt nhìn bầu trời

Gửi nhớ thương vào đó –

Ngoài quê đang trở gió

Đông về, buốt khôn nguôi…

 

Rét dồn về từng đợt

Áo xống chẳng đủ che

Lật tìm dưới lòng khe

Từng con cua chết cóng…

 

Nắng chợt về ngang lối

Lá vàng thêm đậm đà

Nhớ mùa yêu rụng lá –

Bao giờ ta gặp nhau?

 

Bom vẫn rơi từng ngày

Máu trộn vào lòng đất

Bao linh hồn lay lắt

Tìm đường để về quê…

 

Chiến tranh và hòa bình

Đắng cay và nhung nhớ

Những phận đời dang dở –

Trôi như mây bay… bay…

 

(Trường Sơn, mùa đông 1971)

 

 

ĐÊM TRÊN BIỂN CỬA TÙNG

 

Biển ngòm đen cuộn sóng

Như chàng trai bị ruồng rẫy, đớn đau –

Khóc cho cuộc đời cô độc

Vật mình vào núi đá ngàn năm…

 

Ta ước làm ngôi sao đầu non

Để sẻ chia nỗi đau cùng biển

Ta ước làm loài chim chiền chiện

Sống thủy chung bên biển ngàn đời.

 

Đêm trên biển…

Súng thù ngòm đen trên biển

Pháo bầy, pháo đàn đuổi theo con sóng

Trút lên đầu những người lính trẻ măng.

 

Đêm trên biển…

Đêm không ngủ

Ta trăn trở suốt đêm cùng biển

Gió như gọi hồn khúc hát tình ca…

Cuộc sống sẽ là ngọn sóng lành trắng xóa

Đổ mãi lên bờ khát vọng yêu thương.

 

(Cửa Tùng, 4/1972)

 

GIẤC MƠ NGƯỜI LÍNH

 

Ta như con chim lạ

Bay ngang cánh đồng hoang

Sải cánh chiều đã mỏi –

Bình yên không chốn này?

 

Đã bao lần thay pháo

Đã bao lần thêm quân…

Lửa đầu nòng cuồn cuộn –

Như sóng dữ trào dâng!

 

Lính thiếu từng hạt muối

Thiếu từng phong lương khô

Phong bì trong ba lô –

Thiếu cả con tem nhỏ…

 

Máu thấm nơi chiến địa

Mạng sống coi bằng không

Chỉ mong con tim đỏ –

Còn đập khi trở về.

 

Mơ mái trường êm ả

Mơ cổng trường cao xa

Giấc mơ giản dị quá –

Mà mơ hoài không thôi…

 

(Quảng Trị, 1972)

 

 

RỪNG TRẮNG

 

Chúng tôi sống trong cánh rừng cây trắng –

Chất độc da cam hủy diệt sự sống rồi…

Ba đứa dựa lưng vào nhau, chờ cơn mưa lùa nắng

Những giọt mưa rơi xuống – những hạt vàng…

 

Rừng Trường Sơn, mùa khô chang chang

Chẳng nơi nào còn tán cây che má

Chỉ còn lại cành cây khô – vươn cao vì khát…

Khát… khát…

Trời ơi, sao khát thế này?

 

Những cánh rừng Trường Sơn

Cây chết trắng khô –

Như những cánh tay vươn lên trời kêu cứu…

Ta thèm được nghe một tiếng chim gọi tổ

Một tiếng vượn kêu xao xác chiều về…

 

Sự sống lùi xa rồi…

Màu xanh chôn sâu trong những cơn mê…

 

Ôm khẩu AK trong chiến hào chờ giặc tới –

Sự sống còn đây:

Ba trái tim đồng đội…

 

Có ai nhớ về ta không

Trong hoang vắng… rừng tàn?

 

(Rừng Trường Sơn, 1972)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chùm thơ về chiến tranh và biển đảo của Nguyễn Vũ Quỳnh
Trong chùm thơ dưới đây, nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh mang đến những trang viết thấm đẫm tình đồng đội, nỗi đau của một thời bom đạn, và cảm hứng thiêng liêng với Trường Sa - Hoàng Sa.
Xem thêm
Trả lại tên anh - Chùm thơ nhân Ngày 27/7
Chùm thơ tháng Bảy của Nguyễn Thị Thanh Long như một lời tưởng niệm lặng thầm nhưng lay động, hướng về những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Xem thêm
Tự sự sau một lần trở về – Chùm thơ Đinh Nho Tuấn
Sau một cơn bệnh lạ tưởng như “suýt ngẻo”, nhà thơ Đinh Nho Tuấn đã chọn cách trở lại đầy xúc cảm: bằng thơ. Và thơ anh không chỉ là vết thương được gọi tên, mà còn là ánh sáng chiếu rọi những phần sâu thẳm nhất trong thân phận và khát vọng yêu thương.
Xem thêm
Hồn nhiên vần thơ từ Cây thần tiên
Mèo rất thích ăn cá/ Nấu với lá rau chua/ Mẹ mang từ vườn ngoại
Xem thêm
Chùm thơ Dương Xuân Linh
Ta lược gió để lần tìm hơi thởNgười ở nơi xa lỡ mộng hẹn hòNụ hôn cũ qua đêm dài lại mớiKhi trong lòng mong đợi được tin yêu
Xem thêm
Chùm thơ viết về đất nước Palestine – Kỳ 2
Chùm thơ do nhà thơ Hữu Việt – điều phối viên Phong trào thơ thế giới tại Việt Nam tổ chức.
Xem thêm
Chùm thơ viết về đất nước Palestine – Kỳ 1
Chùm thơ của Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa
Xem thêm
Chùm thơ của tác giả trẻ Phan Thành Đạt
Anh chỉ cười: có khi chữ còn nuôi được linh hồnCó khi chữ là dây thừng, kéo mình lên khỏi đáyCũng có khi là dao, khứa chính mình ra máu tươi.
Xem thêm
Trần Ngọc Phượng và những khúc trữ tình
Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ba bài thơ mới của ông: Ngòi bút, Giọt nắng cuối chiều và Bồng bềnh.
Xem thêm
Con cò và những câu chuyện nhỏ - Chùm thơ Trần Hà Yên
Chùm thơ gồm các bài Cô kể bé nghe, Con Cò be bé, Du lịch biển, Lời cô dặn, Sáng mùa hè... thể hiện sự am hiểu tâm lý trẻ thơ cùng khả năng truyền tải nhẹ nhàng những thông điệp giáo dục mang tính định hướng nhân cách.
Xem thêm
Hương thơ thiếu nhi từ Trại sáng tác Nam Đàn
Chùm thơ đăng Văn nghệ Công an và Nghệ An Cuối Tuần.
Xem thêm
Sông Lam số tháng 5/2025 - Nén tâm hương dâng Bác
Chùm thơ đăng tạp chí Sông Lam số tháng 5/2025
Xem thêm
Từ dấu chân chiến binh đến sợi tóc thời gian - Chùm thơ Trần Ngọc Phượng
Chùm thơ là sự đan xen giữa ký ức chiến binh, nỗi nhớ quê hương và những cảm xúc đời thường nhẹ nhàng, dung dị.
Xem thêm