TIN TỨC

Người phụ nữ giàu năng lượng yêu

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-02 06:56:19
mail facebook google pos stwis
1249 lượt xem

TRẦM HƯƠNG

Viết về Đào Phong Lan hóa ra thật không dễ, bởi tôi dẫu lớn hơn em hơn một thế hệ mà có cảm giác em già dặn hơn mình. Những năm 1990, em đã có những thành tựu nhất định và ghi dấu trên văn đàn bằng những giài thưởng thơ ca. Em sớm đến với văn chương và giành được những giải thưởng văn học từ lúc còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi. Điều đó cũng dễ hiểu vì tố chất được phát triển trong môi trường gia đình thấm đẫm âm nhạc và thơ ca.


Nhà văn Trầm Hương tại buổi ra mắt tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt"

Rồi Đào Phong Lan dấn thân vào cuộc sống, kiến tạo gia đình và sự nghiệp, trong đó sáng tác văn học là một phần đời. Trong vai người mẹ, người vợ, một doanh nhân; phần cho "người tình" thơ ca vẫn thủy chung, lúc dịu dàng chìm lắng, lúc sôi nổi. Gần đây em trở lại với nhiều truyện ngắn. Và cuộc thi truyện ngắn hay do Tạp chí văn nghệ TP.HCM đã trao giải thưởng cho "Bảy ngả yêu thương" của Phong Lan. Tôi có cảm giác em trở lại với văn chương với tình yêu nồng nàn hơn xưa bởi sự khích lệ của độc giả, bè bạn...
 


Nhà thơ Đào Phong Lan và tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt", NXB Hội Nhà văn, 2023


Lần nay, cầm trên tay tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt" của Đào Phong Lan, tôi cảm nhận năng lượng sáng tạo của người đàn bà đẹp truyền dẫn đến tôi. Trang sách mở ra những câu thơ nống nàn, đau và sâu thẳm. Tôi thích chất "ớt cay" của em:

"Em phân thân giữa những gì được mất

Chẳng hay hạnh phúc có còn

Sợ anh đứng trên triền non cao ngất

 Vẫn mơ về một bóng thùy dương

 

Anh thân yêu!

Cơn mưa mọc hoang trên đất

 Nảy lên bong bóng bảy màu

 Những đám mây chân trời rơi nước mắt

Anh ở đâu??? (Đông - Viết giữa cơn mưa)

 

Cây cố quên mùa khô

 Bằng chồi hoa tím ngát

Người tìm cách quên ta

 Bằng người con gái khác (Hạ, mưa tháng năm)

 

Em chỉ có một bờ tóc ngắn

 Không đủ dài để buộc lời anh

Những ngọn tóc buồn hơn rêu cũ

 Và hắt hiu gấp mấy lá cành " (Đông - Cho ngày hôm qua)

 

Và cũng trong "Đông" buốt lạnh, tôi chầm chậm ngấm vị đắng xót của Lan:

"Anh đã có bao nhiêu tình yêu thứ nhất

 Sao không cho em làm kẻ cuối cùng?

Cứ để em chạy chân trần trên đất

 Mãi vẫn chẳng thể dừng?

 

Ngày hôm qua xa lắm,

Ngày hôm nay anh nhắc làm gì?

Em chỉ có đôi bàn chân lấm

 Đôi bàn tay chưa biết ôm ghì

Những ngón tay xanh mềm trong nắng

Che mặt khóc vụng về

Những ngón tay nằm hoang vắng

Run run chiều như cỏ ven đê..." (Đông - Cho ngày hôm qua)

 

Tôi đồng cảm, ngấm vào lòng vị mặn những giọt nước mắt của Lan. Lan khóc cho mình:

"Buổi chiều 30 tuổi

 Ngồi khóc trước hiên nhà

Ngoài sân con bướm rụng

 Rơi đầy trời lá đa (Hạ - không đề)

 

"Anh lấp trong em một đáy vực sâu

 Lại chất lên trùng trùng đá núi

Nỗi buồn dâng thành sông

 Nước mắt tràn thành suối

 Mà vì sao em vẫn lại yêu anh?" (Thu - vì anh)

 

Lan khóc cho nhân gian:

"Bắt gặp một dòng nước mắt

 Xưa bỏ trốn lên đồi

Thấy không đâu trên trái đất

Hoang vu

Như

Chỗ ta ngồi" (Hạ- chiều)

Nhưng đau và sâu hơn khi Lan khóc không thành tiếng, là những giọt nước mắt giấu vào trong:

"Lời đá cuột rơi trong lòng suối cạn

Vang lên trong vòm lá một thanh âm

Tiếng đá vỡ

Trong veo

Đau đớn

Lời yêu chỉ nói một lần..." (Xuân - Lời đá cuội)

Cay nồng, đắng, mặn nhưng người đàn bà mang tên Đào Phong Lan, thơ Lan quá đỗi quyến rũ, ngọt ngào, :

"Em nằm yên trong tay anh, trong hơi thở...

Trong nắng trời,

Gió biển,

Cát bờ xa,

Những con ong rừng lấy mật về qua

Ngọt như môi anh hôn em mỗi sáng..." (Hạ - Viết cho anh những ngày xa)

 

Một người đàn bà giàu năng lượng như Lan khi yêu bung hết sức thanh xuân, là muốn đi đến tận cùng:

"Hãy để em yêu anh không do dự

Và hãy yêu em như giây phút cuối cùng

Như ngày mai sẽ xa nhau vĩnh viễn, lối đi chung

Của hai đứa đã có người chắn mất...

Như đã đến giờ tận thế trên trái đất

Như dòng sông sẽ cạn muôn đời

Hãy siết em vào lòng

Hãy hôn mãi không thôi

Hãy yêu em không một lần ngưng nghỉ..." (Hạ - Viết cho anh những ngày xa)

 

Yêu đắm say đến vậy nhưng sao Đào Phong Lan quá biện chứng và tỉnh táo. Người đàn bà giàu năng lượng nên cũng quá đỗi thông minh, chợt nhận ra bản chất cuộc đời ẩn trong những sắc màu, hình tướng. Sự tỉnh thức khiến Lan đau khổ, khắc khoải và khao khát. Sau những phơi trải lòng mình, những hoài nghi, dằn vặt; chốt hạ những lời này, chắc hẳn là Lan rất đau đớn khi đối diện với chính mình:

"Ngày mai khi chúng mình gặp lại

Có thể là em đã khác hôm nay..." (Hạ - Viết cho anh những ngày xa)

 

Làm sao không khác được, khi người đàn bà nhạy cảm, thông minh như Lan thấu triệt những phép tính:

"... Bóng em khuất sau cánh cửa

Khép một nôi buồn nhân đôi

 

Những phép tính không bao giờ có thực

Đã trừ dần đi tôi" (Xuân - Những phép tính)

 

Những phép tính không bao giờ có thực nhưng nỗi đau của Lan là có thật:

"Còn lại một mình em kiếm tìm, đuổi bắt

Làm ra vẻ đồng vui,

Em la hét cười đùa.

Khi vì sao cuối cùng vừa tắt

Em ngồi trơ trên đất

Chợt nhận ra

Chỉ một mình

Trò chơi ấy

Vẫn thua" (Xuân- Trò chơi)

 

Tự nhủ xem như một trò chơi mà Lan vẫn không thôi đau, thôi khắc khoải về nó:

"Tôi làm sao níu lại cánh diều 

Khi nó đã bứt dây

Theo mây chiều bay mất?

Những tia nắng của một ngày ắp tắt

Cũng vội vàng về hướng xa tôi" (Hạ - Cho Nguyên)

 

Đọc thơ Lan rồi thì tôi hiểu vì sao cô gái mới ngoài hai mươi tuổi đã đưa ra một giả thiết khác, khi đặt mình vào Mỵ Nương:

"Anh đã chậm

Mà em thì quá vội

Thủy tinh ơi, xe đã thắng ngựa rồi

Nước mắt em xin hóa thành con nước

Hòa vào sông anh lấp lánh mặt trời..." (Thu - Lời Mỵ Nương)

 

Cay, đắng, mặn, ngọt ngào nếm đủ, Lan thanh lọc mình, quay vào bên trong, hướng đến sự nguyên sơ, tinh khiết, vượt qua bản ngã mình để bao dung:

"Nếu tình yêu có bảy sắc màu

Em xin nhận về mình hai màu xanh - trắng

Để nở hoa lối anh về phẳng lặng

Nhuộm sắc trời xanh mát buổi sau mưa..."  (Thu - Vì anh)

 

Cầm trong tay tập thơ mỏng nhưng sao tay tôi thấy trĩu nặng khi chạm vào tài hoa thơ của người phụ nữ giàu năng lượng yêu. Chỉ việc tự thể hiện mình trong 15 bài thơ gởi tặng độc giả, Đào Phong Lan phải mất nhiều năng lượng, công sức. Nếu chỉ riêng đọc từng câu thơ lẻ, bất chợt như:

"Lũ kiến đen vội vàng về phía sáng/ Như sợ mình không đến kịp ban mai"

"Còn em xin được làm chiếc cúc/ Nép khiêm nhường trên ngực áo anh"

'Thót nghe lá gãy trên cành/ Chỉ mong ngày tháng không đành lập đông"'

"Kỷ niệm mềm như lụa / Choàng lên thời gian qua"...

... thì ta cũng nhận được năng lượng thơ ca của Lan truyền dẫn vào từ mắt vào tim rồi...

 

Tôi đặc biệt thích những bài thơ của Lan viết về Tây Nguyên, phố núi vừa hồn cốt vừa khoáng đạt. Bàng bạc trong thơ Lan là nắng, là những hạt mưa, là lá rơi, rêu cỏ, bời bời những cơn gió, bời bời tiếng lòng... Thấm văn hóa Tây Nguyên vào hồn, nơi Lan đã sống một tuổi thơ đầy dấu ấn về đất và người nên mới có thể nắm bắt đặc thù âm thanh tiếng đàn trong một nốt nhạc thơ thần kỳ đến vậy:

"T'rưng

Em địu mặt trời trên lưng" (Hạ - T'rưng)

Bài thơ đã được Bùi Khánh Nguyên, người cùng nhận giải thưởng cuộc thi truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ TP.HCM phổ nhạc thành bài hát T'rưng được nhiều người yêu thích Sự đồng cảm của hai người bạn viết cùng lứa cũng dễ hiểu...

 

Tập thơ Lan chứa một dung lượng không nhỏ thơ lục bát. Tôi rất nể phục những người làm được thơ lục bát hay bởi đó là một thách thức. Nhiều người tự biện (trong số đó có tôi) rằng tư chất con người mình không thích ràng buộc, khát khao bứt phá không phù hợp với thể thơ này. Nhưng Đào Phong Lan vẫn rất phóng khoáng, bứt phá, trẻ trung, mới mẻ đó thôi sao nhuần nhuyễn lục bát đến thế. Lan không đi vào lối mòn vần vè, khuôn mẫu mà có những biến tấu, cách ngắt câu, ngắt nhịp rất táo bạo, biến ảo khiến lục bát trong thơ Đào Phong Lan mang một dáng nét rất riêng. Hãy xem cách Lan "chặt" một câu lục bát để cảm xúc găm vào lòng người đọc, không trôi theo vần vèo:

"Con thuyền xưa đã bỏ hoang

Bao nhiêu con nước

Vội

Vàng

Đổ

Đi" (Đông- Đổ vỡ)

Khép lại tập thơ, trong tôi tràn ngập cảm giác biết ơn. Cảm ơn tạo hóa không chỉ sinh ra người đàn bà đẹp mà còn giàu năng lượng để yêu thương, khao khát và sáng tạo. Một người phụ nữ giàu trải nghiệm như Lan chắc hẳn nhận ra đâu là giới hạn của chính mình. Những nhà phê bình sẽ làm công việc đặc thù của họ. Còn tôi, một phụ nữ cầm bút chỉ mong Lan cứ hồn nhiên yêu, hồn nhiên sống, kích hoạt mọi tiềm lực mà em có được để kiến tạo, sáng tạo, yêu hương và dâng hiến.

30.10.2023
T.H.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chất chứa bi hùng vương triều Tiền Lý
Nhà văn Phùng Văn Khai quả là quá táo gan và thừa dũng cảm khi bước chân vào một vùng đất trống. Ấy là khi anh quyết định tái hiện các cuộc chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc bằng văn học. Gánh lấy sứ mệnh vô cùng khó khăn ấy, anh tự xem mình là nhà thám hiểm lịch sử hay một đấng phiêu lưu văn học? Không ai trả lời được câu hỏi ấy, ngoài anh.
Xem thêm
Lan tỏa giá trị văn hóa: Sức mạnh của đội ngũ văn nghệ TP.HCM
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước
Xem thêm
Chất chứa bi hùng vương triều tiền Lý
Nhà văn Phùng Văn Khai quả là quá táo gan và thừa dũng cảm khi bước chân vào một vùng đất trống. Ấy là khi anh quyết định tái hiện các cuộc chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc bằng văn học. Gánh lấy sứ mệnh vô cùng khó khăn ấy, anh tự xem mình là nhà thám hiểm lịch sử hay một đấng phiêu lưu văn học? Không ai trả lời được câu hỏi ấy, ngoài anh.
Xem thêm
Phật giáo hộ quốc dưới góc nhìn tiểu thuyết vương triều Tiền Lý
Sớm mai, sương bạc vương trên cánh sen tĩnh mặc, hồ nước phẳng lặng phản chiếu bầu trời vô tận. Tiếng chuông chùa ngân dài trong làn gió sớm, tan vào không gian như những vòng sóng lan tỏa, vọng về từ ngàn xưa lời kinh Bát Nhã
Xem thêm
“Thu thức giấc” của Trịnh Bích Ngân - Mùa của những rung động
Bài đăng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 4/2025
Xem thêm
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bài của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Các cuộc chiến trong lòng chiến tranh...
HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ là cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Tố Hoài do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2016.
Xem thêm
Đặng Nguyệt Anh - Một hồn thơ không tĩnh vật
Bài của PGS.TS Hồ Thế Hà đăng tạp chí Sông Hương
Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm