- Bút ký - Tạp văn
- Tôi kể chuyện về một người thầy quan trọng trong đời
Tôi kể chuyện về một người thầy quan trọng trong đời
TUẤN TRẦN
Để nói về cô giáo Nguyễn Thị Thúy – tôi gọi thân thương là cô Hồng Thúy (Hiệu phó trường Tiểu học Nam Cát – Nam Đàn - Nghệ An), xin được dùng đến những cặp phạm trù đối lập: cá tính và sắc sảo, kiên trì và nhẫn nhịn, thông minh và nhạy cảm dung hòa trong một hình ảnh tươi tắn, duyên dáng, rất thật tri thức theo kiểu phụ nữ thuần túy Á Đông. Tuy mỗi lúc có khác, mỗi thời có đổi thay, nhưng trong con người đó luôn mang tinh thần và cốt cách của một “người mẹ” - nữ giáo viên: Đảm đang, vén khéo và “thực chiến”. Phải vậy! cái tôi muốn chú mục là tinh thần “thực chiến” trong quá trình “rèn nghề” liên tục và trọn đời nơi cô.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy.
Với tôi, cô là một, là riêng là duy nhất “không chỉ” trong khuôn khổ cảm hứng trồng người. Từ thưở “hàn vi” nhỏ nhoi nơi quê nghèo đất khó cho đến khi lớn lên và ly hương bởi phận sự tìm danh chốn quê người đất khách. Người giáo viên hồi lớp bốn, năm của mười lăm năm về trước luôn lưu cất một ấn tượng nội tâm vô cùng đặc biệt ảnh hưởng tích cực đến hành vi vị nhân và lối ứng xử rất mực trân trọng với nghề nghiệp trong tôi. Mỗi khi gặp phải công việc và trên đường đời có nhiều trắc trở, hình dung tư thái “bản lĩnh - tận hiến” của cô về trong kí ức sẵn sàng gợi nhắc/ đánh thức niềm tin và sự yêu cầu phải từ tốn bền bỉ, nỗ lực khôn kham đối với công cuộc khoa giáo lớn lao mà tôi đương theo đuổi.
Sinh ra, lớn lên, học thành nghề và phụng sự cho nền giáo dục nước nhà trên chính mảnh đất quê cha: Nam cát, Nam Đàn - một miền “đất cỗi cỏ cằn” nhưng đã khởi sự và thịnh thế về thành tích khoa bảng. Xuất thân trong một gia đình giáo chức, Bố là một người thầy – nhà quản lý giáo dục uy tín của vùng đất này. Chính vì vậy, trong tâm thức cô Hồng Thúy thưở thiếu thời đã sớm “thai nghén” hình bóng của một nhà giáo mẫu mực và thực sự đã mẫu mực trên nhiều phương diện.
Cô tôi là người giáo viên mà nhìn ở lát cắt ảnh mặt thể hiện ra khá nghiêm khắc – chuyên nghiệp, có thể nói là rất lý trí trong ứng xử các tình huống sư phạm cũng như nhân sinh. Đám học trò chúng tôi rất nể sợ, bởi “quả tim lý tưởng” trong cô – luôn đề cao sự tuân thủ, tính kỉ luật và trách nhiệm trước hết. Đó là bài học lớn cho chúng tôi về lẽ sống: Hãy thực hiện nghĩa vụ trước rồi mới được quyền đòi lợi ích, có như vậy mới tạo ra sự phát triển bền vững. Ở một khía cạnh nào đó, hình bóng thầy Đồ xưa khắc phạt, hình bóng của người cha điển phạm phần nào được truyền thừa linh động biến ứng trong con người cô. Tất nhiên, sau tất cả, ngày trở lại, trong tôi, trước mặt tôi hoàn toàn là một con người đã khác: Ấm áp, nhẹ nhàng và miệng luôn mở lời đánh thức hi vọng…
Người giáo viên sinh năm 1973 đó cũng là một người phụ nữ tài hoa. Từ làm thơ, vẽ tranh báo tường, ca hát đến biểu diễn văn nghệ cô đều tư duy để thể hiện và phát triển. Giáo dục toàn diện là điều mà nhà giáo Hồng Thúy đặt mục tiêu và hướng tới. Chính vì vậy sự chỉn chu, cầu toàn từng “đường ăn ý ở” trong “giáo pháp” là điều thường trực luôn luôn nơi cô. Với các hoạt động văn - thể - mỹ trong nhà trường hay nơi địa phương cô Hồng Thúy đã trở thành “cánh én dẫn đầu” phong trào. Tôi nhớ về mỗi mùa lễ hội, cứ độ tuần lễ trước Hiến chương Nhà giáo hay ngày Quốc tế phụ nữ… là tư gia nhà cô trở thành nơi cho các học sinh đến tập luyện ngày đêm - bất chấp sự lụy phiền tới việc sinh hoạt riêng tư. Để làm được điều đó, không chỉ cần đảm đang, vén khéo mọi bề cho trọn vẹn “công - dung” mà cần cả sự “hi sinh” niềm riêng vì sự thể chung. Những ngày sắp thi tuyển giỏi hoặc các kì thi năng khiếu cũng là dịp mà cô trò miệt mài nắn chỉnh từng “nét chữ nết người” sau mỗi buổi lên lớp. Các dịp hội thao cô trò luôn khẩn trương cho tinh thần thể dục hăng hái và bất diệt… Trong tương quan kết nối gia đình và nhà trường thời bấy giờ thật nhân văn và sâu sắc để những cám dỗ lợi ích thiển cận không thể nào xâm phạm hoen úa thanh danh giá trị đức hạnh vĩnh tồn của người giáo viên nhân dân. Chúng tôi trong xóm cùng xã đều được đến tìm kiếm chữ nghĩa không chỉ ở nơi học đường, những người giáo viên tận tụy như cô Thúy luôn sẵn lòng thắp đuốc tri thức ở thư phòng nhà riêng để cho sự “cầu toàn” hết mình lên trên tất cả, đặc biệt những lúc cận thời diễn ra những ngày hội thi đua…
Tôi còn nhớ hình ảnh cô giáo múa sen thật điêu luyện giữa trung tâm và vây quanh là những “vũ công” giáo viên khác trong một dịp giao lưu văn nghệ liên ngành - hình ảnh, dáng nét đó thật có thể trở nên thi mỹ. Dĩ nhiên, cô giáo của tôi xem văn - thể chỉ là sở đoản nhưng rất cần thiết cho sự phát triển mọi mặt trong quá trình hình thành cốt cách và cảm nhận cuộc sống của một cá thể. Còn vấn đề trọng tâm của chuyên môn mà cô đã dành trọn đời nghiên cứu, thực hành và cống hiến để bao thế hệ được tiếp truyền chính là “Phát huy năng lực toán học và chuyên sâu môn tiếng việt”…
Cô Hồng Thúy là một nhà giáo dục, mà, như mẹ tôi dùng từ “rất trau nghề”. “Chải chuốt” chuyên môn đến từng bài văn, ý thơ, con chữ lẫn tỉ mẫn tìm tòi thể nghiệm dạng/ cách những bài toán phát triển và đột phá tư duy cho phong phú và hiệu quả tuyệt vời những trang giáo án của mình… Chúng tôi “đã phải” thử thách có khi “khó” hơn ít nhiều so với chương trình vì những đề bài số/ hình học sơ cấp tiểu học do cô tuyển lựa. Tất nhiên, cô luôn cân nhắc và phân hóa các đối tượng học sinh theo định hướng từ sở/ bộ. Chúng tôi thuộc thành phần chất lượng mũi nhọn nên luôn được áp dụng “cương dục” bằng các khối lượng kiến thức có “trọng lượng” hơn. Giáo dục hiện đại có thể “hồ nghi” về vai trò của những “nan đề” trong phát triển con người, nhưng đối với góc nhìn, thông qua trải nghiệm thực tế những năm tiểu học dưới sự định hướng từ cô giáo Hồng Thúy, với tôi: Sự tồn tại của những điều “nhức khó” hối giục ta phải “chinh phục” cũng là cách để đốt cháy/ khai phá năng lực tiềm tàng đương ngủ say trong mỗi người. Cái mà chúng tôi được học ở đây là sự kiên trì, bền bỉ để tư duy và sáng tạo. Hãy đối diện/ đương đầu với sự toàn cầu hóa và các vấn đề phức tạp của cuộc sống như cách mà ta từng miệt mài tìm ra lời giải đầy thách đố trong toán khó – Yếu nghĩa giáo dục của cô là thế.
Đối với sự học, với kiến thức không có điều chi là “vô dụng” hoặc ít có nghĩa. Mỗi người sẽ có một lối/ cách giải quyết “bế tắc” linh hoạt và hiệu quả từ trí thông minh/ độ tinh nhạy nhờ vào việc hôm nay “cặm cụi đẽo tạc” những “nan đề” trong toán học nói riêng và khoa học nói chung. Tôi là đứa yếu thế so với đội tuyển học sinh giỏi về môn toán, chính vì vậy cô đã “đòi hỏi” ở tôi không ngừng. Và đó cũng chính là cơ hội được hiểu nhiều hơn và thụ đắc tần số rung động về sự tâm huyết của một người thầy cao cả trong những ngày “chủ nhật” đến nhà cô phụ đạo thêm... Tất nhiên cô “không hề/ màng” được tính công. Thực tế, ngày đó giáo dục từ làng – sau lũy tre có những điều chân quý mà bối cảnh bây giờ khó có thể tìm lại. Cô tâm sự: “Ngày xưa cô có sửa phạt, có gắt gao thì hôm nay các trò trở lại ai nấy mới đều vững tâm và kiên quyết. Còn thời nay, trong cô vẫn có nhiều sự “thắc mắc” bởi tư duy cải tiến trong định hướng giáo dục nước nhà. Nhưng có phải thế này chăng, như một nhà hiền triết đã nói: Có ý chí sẽ có con đường…”
Cô giáo tôi là một người “quyết liệt”, như tôi đã kể: “tinh thần thực chiến”. Với cô ít khi “dĩ hòa vi quý”. Hãy sống với niềm tin bất khuất vào sự thật, thẳng thắn như khoa học và không ngại lên tiếng khẳng khái trước công luận để đấu tranh cho sự công bằng. Ngay trong chính lớp học, cô luôn nêu cao tinh thần kỉ luật, sự khắc phạt và yêu cầu thể hiện trách nhiệm cao của học trò trong học tập và báo cáo kết quả học tập bên cạnh những khích lệ, cổ động, ca ngợi...: “Đừng lý do to hơn mục đích”; “Đừng thờ ơ trí tuệ”; “Đừng đình trễ việc học tập”; “Ngày hôm qua đã rồi, ngày mai chưa tới ta chỉ có riêng hôm nay, tại lớp học này để sống trọn vẹn và thật ý nghĩa…” – Lời cô có “ánh thép” vẫn vang vọng trong tôi. Triết lý giáo dục của cô là “tôn trọng các tình huống đối thoại tri thức” – nghiêng hẳn về chính nghĩa và lẽ công bằng. Bài xích sự cẩu thả, lười biếng (từng cái nhãn vỡ của trò cũng phải thể hiện cái nghiêm ngắn, cẩn thận và chấm phá đôi chút “thẩm mỹ” từ bút dạ cho đáng đẹp và đáng trân trọng khi bắt đầu mở trang sách “có lề” dẫu “đã cũ”…). Tôi tin tưởng son sắt vào tinh thần “đối mặt với sự thật” nơi con người cô, luôn góp ý thành thực, cởi mở và không ngần ngại, cả nể như cô từng khí khái: “Cây ngay bóng tròn…” – đám bạn và tôi ghé tai nghe trộm trong một cuộc họp sư phạm năm ấy trùng ngày chúng tôi phải đến trường trực tuần.
Thật nhiều bài học làm người, làm nghề ý nghĩa, nhưng có lẽ bài học lớn nhất mà tôi nhận được nơi con người đó, chăng là “hãy làm bất cứ một nghề gì chân chính bằng cách mình sẽ/ tiên quyết phải trở nên giỏi nhất và hãy đào tạo ra những người giỏi hơn mình trong nghề nghiệp đó”… Là nỗ lực hết mình và giúp đỡ người khác thật chân thành – Ý cô tôi là vậy.
Lần trở về này, tôi đến thăm cô một chiều thứ bảy, trời quê hương cao và rộng lắm, những đám mây giao mùa thở ra không khí mát lạnh, nhuốm đọng, vuốt dịu tịch dương ửng hồng. Đang dở tay chăm sóc, tưới bón mấy cây phong lan ngoài vườn, cô cười cái cười trìu mến đón tiếp tôi ngồi. Bảo tôi chờ hơi lâu vì cô cần tươm tất, chỉn chu chút ít để đón người học trò từng thương quý mà đã lâu mới được dịp hạnh ngộ. Cô tôi vẫn vậy! ngọt ngào và ân cần với những học sinh ngày trở lại (nghiêng về tâm thái nghiêm khắc cương nghị với những học sinh tuổi hoa niên đương cắp sách tới trường). Cô trò chuyện bằng một giọng nói truyền cảm pha chút ngôn ngữ đẹp lạ như cách trò chuyện với một “nhà văn” – Nhà Văn, học trò Tuấn Trần. Tôi luôn sẵn lòng để ngồi thật lâu với cô và tâm thế hân hoan miệt mài nghe kể chuyện cuộc sống và rèn nghề. Trong cái ôn tồn, nhẹ nhàng quen cũ, dường như có cái mới lạ hơn. Cô tâm sự với tôi trên tư cách đang trò chuyện cùng một người trưởng thành - người đã không còn trong trẻo, ngây thơ như trang tuổi hồng mực tím và vì thế không còn dễ dàng bị tổn thương bởi sự đời đắng đót, gai góc và có phần “thời sự” của đời sống và giáo dục hôm nay… Có cảm giác, cô đang nói chuyện với một người trong nghề.
Dịp này tôi trở về thăm, cô đã ở trên một cương vị khác – “xếp nhỏ” (hiệu phó). Tôi có hỏi cô rằng có suy nghĩ về việc thăng tiến nữa chăng! Cô trả lời: “Cô dừng lại ở đó, vì cô thuộc về chuyên môn và muốn sâu sát hơn với vấn đề chuyên môn trong bối cảnh cuộc cải cách mạnh mẽ của giáo dục nước nhà”. Tôi nghĩ rằng chức vị hiện tại cô đảm nhận cũng để phục vụ cho mục đích dạy học của cô, ở một tâm thế khác - hướng dẫn, đồng hành với đội ngũ sư phạm nhà trường để tiếp cận và phát huy mạnh mẽ về mặt kiến thức, kĩ năng, bắt kịp đổi mới… Bởi với cô Hồng Thúy: “Một người giáo viên, một mặt phải có trình độ văn hóa và mặt khác phải trung thực như một tấm gương”.
Khi học trò đánh tiếng chuông đòi nghĩa lý, nhất định chúng phải tìm được lẽ công bằng; giáo dục luôn cần tận tâm, ân cần và thương yêu nhưng khắc phạt cũng là một phần của việc rèn người. Sau tất cả thăng giáng đời - nghề, cô tôi là một người như đã kể trên: “Đối với giáo dục dẫu phụ cấp bèo bọt chừng nào đi nữa tôi vẫn làm” - Quả không “ngoa ngôn” vì ngày đó thế hệ tôi và trước đó chị gái tôi đã từng rèn luyện tinh thần thép trong học tập ngoài giờ lên lớp ở căn nhà gác nơi góc xóm “ngày qua tháng lại” đi hết tuổi học trò chữ to mà chẳng báo đáp được điều chi... Mảnh đất Nam Cát, sự nghiệp giáo dục tiểu học nói riêng nơi xã nhà, nếu cất lời về niềm tự hào thì không thể không nhắc tới đầu tiên về con người đã hi sinh âm thầm chịu nhiều thua thiệt đó – Cô giáo Nguyễn Thị Thúy.
Từ cảm hứng bởi con người đã hết mình vì sự nghiệp trồng người trăm năm – Cô dạy rằng trồng người là trăm năm, lâu lắm, không thể nào gặt hái “ăn ngay”. Tôi đã trở nên kiên trì hơn, bình tĩnh hơn, và nghiệm sinh sâu sắc, thấm lắng “bản chất” của nghề nghiệp mình: “Phấn là vôi mà vôi thì bạc”. Nhưng cái bạc đó nằm ngoài bạc tình, bạc nghĩa. Sự chân tín tận hiến cho nghề nghiệp đã cho cô tôi có được ngày hôm nay - nhận được niềm tôn kính lớn lao của cả một vùng đất giàu chữ nghĩa. Bao thế hệ học sinh đã lớn lên, đi ra, thành tài và lập nghiệp dưới bàn tay dìu nâng của những cô giáo sau lũy tre làng thanh bình, yên ả.
Và có lẽ, bây giờ, tôi chỉ muốn/ biết nói: “CẢM ƠN!”. Cảm ơn cô giáo Hồng Thúy, vì tất cả, tình nghĩa, tri âm và sự thấu hiểu. Cảm ơn đã đến với thông điệp ngàn năm trang trọng và diễm lệ: “Giáo dục bắt nguồn từ tình thương, chỉ có tình thương mới cảm hóa được con người”.